Thực hư 10 vạn quân Tôn Quyền đại bại trước 800 kỵ binh Trương Liêu

Trận đánh thành Hợp Phì giữa 10 vạn quân Đông Ngô do Tôn Quyền thống lĩnh và quân Tào Ngụy do Trương Liêu chỉ uhy suốt một thời gian dài được coi là minh chứng mẫu mực về trận chiến “lấy ít địch nhiều”.

Thực hư 10 vạn quân Tôn Quyền đại bại trước 800 kỵ binh Trương Liêu - 1

Tôn Quyền từng nhiều lần đem quân tấn công Tào Ngụy nhưng đều thất bại.

Trương Liêu nổi tiếng là một trong những danh tướng tài năng nhất nhà Tào Ngụy thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Cùng với Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng, Trương Liêu được xếp vào hàng "Ngũ hổ tướng nhà Ngụy". Sử sách Trung Quốc chép rằng, Trương Liêu là một trong những mãnh tướng dùng giáo giỏi nhất Tam Quốc.

Năm 225, để vinh danh chiến tích đại thắng trước Tôn Quyền của Trương Liêu và Lý Điển ở Hợp Phì, Ngụy Văn Đế Tào Phi hạ chiếu thư viết:

"Chiến dịch Hợp Phì, Trương Liêu chỉ dùng 800 bộ binh mà đánh bại 10 vạn quân địch, tự cổ dùng binh chưa có ai được như thế. Kẻ địch đến nay vẫn táng đảm, hai tướng Trương, Lý quả là nanh vuốt của triều đình".

Trận đánh lưu danh sử sách

Tháng 8 năm 215, Tôn Quyền thống lĩnh 10 vạn quân bao vây Hợp Phì, nơi tập trung khoảng 7.000 quân Tào Ngụy. Thời điểm này Tào Tháo đang đem quân đi xa nên không thể ứng cứu, chỉ để lại quân lệnh: “Khi quân địch tới, Trương Liêu và Lý Điển ra nghênh chiến, Nhạc Tiến ở lại giữ thành, Tiết Đễ không được tham chiến”.

Khi các tướng Tào Ngụy còn hoang mang, bối rối, Trương Liêu nói: “Nếu ngồi đợi viện binh của Tào công đến nơi, thì quân ta đã bị diệt rồi. Hiện tại, kế sách chỉ có một, đó là chủ động tấn công trong lúc quân Ngô chưa kịp ổn định. Làm vậy có thể tiêu hao sĩ khí Đông Ngô, làm yên lòng quân ta, vậy thì mới thủ được thành”.

Trương Liêu chọn 800 binh sĩ tinh nhuệ, giết trâu mở tiệc để khao thưởng binh sĩ. Sáng sớm ngày hôm sau, Trương Liêu dẫn quân đi nghênh chiến 10 vạn đại quân Đông Ngô.

Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung chép: "Trương Liêu mặc giáp tiên phong, dũng mãnh vô cùng; lao vào đánh chớp nhoáng, trong chốc lát đã giết 2 tướng, và mấy chục quân lính của Đông Ngô".

Trương Liêu hùng hổ vỗ ngực hô lớn: "Trương Liêu ở đây!" Bị tập kích bất ngờ, Tôn Quyền và quân lính hoảng loạn, bối rối đưa quân về gò đất nhỏ để thủ. Trương Liêu thách thức Tôn Quyền xuống quyết chiến nhưng Tôn Quyền vẫn chưa hoàn hồn không lên tiếng.

Thực hư 10 vạn quân Tôn Quyền đại bại trước 800 kỵ binh Trương Liêu - 2

Tào Tháo thu phục Trương Liêu từ tay Lữ Bố. 

Thấy quân của Trương Liêu quá ít, Tôn Quyền ra lệnh bao vây đánh Trương Liêu nhưng tướng nhà Tào Ngụy đã dũng mãnh dùng giáo phá vòng vây thoát ra ngoài.

Khi thấy quân sĩ vẫn chưa thoát, Trương Liêu quay trở lại tiếp tục đánh phá vòng vây cứu quân lính.

Cuối cùng Trương Liêu và quân lính rút về Hợp Phì an toàn. Tôn Quyền quyết tập hợp toàn quân bao vây thành Hợp Phì. Suốt hàng chục ngày trôi qua, quân Tào Ngụy cố thủ trong thành không ra đánh, Tôn Quyền không tài nào công thành được.

Nhiều ngày không thành công, quân Tôn Quyền mắc phải dịch bệnh, tâm lý chán nản nên Tôn Quyền quyết định rút quân theo từng tốp. Trong khi đó, Trương Liêu đứng trên cổng thành quan sát thấy rõ, liền lên kế hoạch tập kích.

Khi tốp quân của Tôn Quyền rút lui về đến bến Tiêu Dao, Trương Liêu sai người phá cầu và dẫn kỵ binh tập kích. Cam Ninh cùng Lữ Mông vất vả chống đỡ mới kịp bảo vệ Tôn Quyền thoát vây.

Thực hư 800 kỵ binh đại phá 10 vạn quân

Các sử gia Trung Quốc sau này nhận định, việcTôn Quyền bị tập kích bất ngờ là có cơ sở, nhưng đánh từ sáng đến trưa mà 800 kỵ binh của Trương Liêu vẫn cầm cự được thì có phần vô lý.

Các tướng Lã Mông, Cam Ninh, Lăng Thống của Đông Ngô khi đó không được nhắc đến trong trận đánh.

Một số học giả Trung Quốc cho rằng, kỳ thực không có chuyện Trương Liêu dùng 800 kỵ binh tập kích Tôn Quyền. Hoặc nếu có thì 800 dũng sĩ cũng chỉ có thể đánh bất ngờ rồi rút quân ngay, trước khi các tướng lĩnh của Ngô kịp tập hợp.

Cách giải thích này được củng cố bằng việc Tôn Quyền dám đi đoạn hậu khi toàn quân rút lui, dẫn đến việc bị Trương Liêu tập kích lần hai. Nếu quả thật Liêu đã khiến Quyền khiếp đảm thì không đời nào Tôn Quyền lại dám mạo hiểm như vậy.

Sử sách chép rằng, Tôn Quyền mang tới 10 vạn quân đi đánh thành Hợp Phì. Con số này nhiều khả năng cũng được phóng đại vì ngay cả trong đại chiến Xích Bích lớn nhất thời Tam quốc, cả quân đội Thục-Ngô tập hợp lại mới được 3 vạn.

Thực hư 10 vạn quân Tôn Quyền đại bại trước 800 kỵ binh Trương Liêu - 3

Tôn Quyền bị tập kích ở bến Tiêu Dao.

Một hiểu lầm khác là việc Trương Liêu tập kích bất ngờ lần đầu tiên khiến Tôn Quyền quyết định rút quân. Sự thật là Tôn Quyền bị tập kích khi đang cho quân qua sông.

Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ thời nhà Tây Tấn có đoạn chép: “Quyền vây giữ Hợp Phì hơn chục ngày, không hạ được thành, bèn rút về. Liêu thống suất chư quân truy kích, suýt bắt được Quyền”.

Về nguyên nhân Tôn Quyền cho lui quân, người đời sau đồn đoán rằng quân lực Đông Ngô khi đó không còn cho phép Tôn Quyền nán lại lâu hơn, có thể là vì dịch bệnh bùng phát.

Tôn Quyền cũng đã có những tính toán để đi đoạn hậu rút lui cùng với các tướng lĩnh tinh nhuệ nhất. Đáng tiếc rằng Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung chỉ tô điểm đoạn Tôn Quyền bị Trương Liêu đuổi chạy trối chết.

Người cầm quân dày dạn đều hiểu rằng khi lui binh, sĩ khí xuống thấp, là thời cơ để kẻ địch tập kích. Tôn Quyền hiểu điều đó nên mới tự mình đoạn hậu để nâng cao sĩ khí.

Nhưng vì sao đã dự tính như vậy, Tôn Quyền vẫn bị Trương Liêu “hành” cho khốn đốn? Đó có thể là việc Tôn Quyền không nghĩ đến khả năng này hoặc Trương Liêu đã lựa chọn thời điểm tập kích hết sức chính xác, khi quân Đông Ngô đã rút qua sông gần hết.

Dù sao, chuyện Tôn Quyền bị tập kích ở bến Tiêu Dao là có thật. Quân Ngụy đã phá hủy cầu, buộc Tôn Quyền phải quyết chiến và may mắn được các tướng tinh nhuệ đưa sang sông an toàn.

___________________________

Với tư cách là người thống trị vùng đất Giang Đông, Tôn Quyền không hề ưa Lưu Bị vì Thục Hán từ lâu chiếm quyền kiểm soát Kinh Châu. Nhưng Tôn Quyền vẫn gạt bỏ mâu thuẫn để gả em gái cho Lưu Bị. Bài dài kỳ tới sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

Tôn Quyền đứng sau vụ ám sát anh trai Tiểu Bá Vương Tôn Sách?

Ít người biết rằng trước khi Tôn Quyền nắm quyền cả vùng Giang Đông rộng lớn, người anh trai Tôn Sách mới là người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN