Thừa nhận đau đớn của quân đội Israel
Giới chức quân sự, an ninh Israel đang phải đối mặt với loạt câu hỏi lớn sau khi để Hamas xâm nhập lãnh thổ dễ dàng bằng cả đường không, biển và bộ.
Cùng lúc với việc phóng hàng ngàn rốc-két, nhóm vũ trang Hamas sáng 7-10 triển khai nhiều tay súng và chỉ trong vài giờ đã xâm nhập TP Sderot ở miền Nam Israel, gây bất ngờ cho lực lượng phòng vệ Israel.
Cuộc tấn công ào ạt và bất ngờ của Hamas vào Israel, xảy ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur.
Đây là cuộc chiến diễn ra từ ngày 6-10 tới 26-10-1973, do liên minh các quốc gia Ả Rập phát động tấn công Israel ngay trong ngày lễ Đền tội Yom Kippur, ngày lễ thiêng của người Do Thái.
Một số tay súng Hamas đang tiến vào một căn cứ quân sự ở Nahal Oz - Israel ngày 7-10. Ảnh: Hamas
Hàng rào thông minh ngăn cách Israel và Gaza bị ủi đổ ngày 7-10. Ảnh: X (Twitter)
So sánh với cuộc tấn công cách đây 50 năm, tướng Giora Eiland, cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, cho biết: "Nó khá giống với những gì đã xảy ra vào năm 1973. Chúng ta có thể thấy Israel hoàn toàn bị động trước cuộc tấn công được phối hợp rất bài bản của Hamas".
Khi phá vỡ các hàng rào ngăn cách với dải Gaza để tiến vào Israel hôm 7-10, các tay súng Hamas còn quay video các cuộc tấn công ở nhiều địa điểm khác nhau.
Hình ảnh xác chết nằm ngổn ngang trên đường phố hay hình ảnh các nhóm dân thường Israel bị xua đuổi hoặc bị bắt đi làm con tin ở dải Gaza là một cú sốc thực sự với người dân nước này.
"Đây là thất bại nặng nề không thể chối cãi của tình báo Israel" – ông Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo Mỹ về Trung Đông, đánh giá – "Nó cũng là một thất bại nặng nề về an ninh, làm suy yếu cách tiếp cận tưởng chừng như mạnh mẽ và thành công của Israel đối với dải Gaza".
Tên lửa phóng từ dải Gaza làm bị thương một người dân Tel Aviv- Israel ngày 7-10. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Israel bảo vệ các khu dân cư sau vụ xâm nhập hàng loạt của các tay súng Hamas từ dải Gaza. Ảnh: Reuters
Reuters mô tả các tay súng Hamas cũng chiếm giữ các chốt an ninh, bao gồm một đồn cảnh sát ở thị trấn phía Nam Sderot và tràn vào cửa khẩu Erez, vốn kiểm soát chặt chẽ người ra vào dải Gaza.
Một chiến dịch dữ dội như vậy cần phải được chuẩn bị trong nhiều tháng. "Hamas đã lên kế hoạch từ lâu" - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Eyal Hulata nhận định - "Rõ ràng đây là một cuộc tấn công phối hợp rất chặt chẽ, khiến chúng ta bất ngờ về mặt chiến thuật và nhận lấy thiệt hại nặng nề".
Giới chức quân sự, an ninh Israel thừa nhận lỗ hổng tình báo. "Sẽ có các cuộc họp để mổ xẻ về lỗ hổng tình báo nhằm chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai. Hiện tại, trọng tâm của chúng tôi là chiến đấu" – một phát ngôn viên quân đội Israel nói với các phóng viên trong cuộc họp ngắn.
"Kẻ thù sẽ phải trả giá đắt vì những gì đã gây ra cho Israel hôm nay" – Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp với nội các Israel hôm 7-10.
Hệ thống "Vòm sắt" (Iron Dome) của Israel đánh chặn rốc-két phóng từ dải Gaza hôm 7-10-2023. Ảnh: Reuters
Israel luôn coi nhóm vũ trang Hamas là kẻ thù không đội trời chung. Kể từ sau cuộc xung đột 10 ngày vào năm 2021, Israel đã dụng áp chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" để duy trì sự ổn định ở dải Gaza.
Israel đưa ra các giải pháp khuyến khích kinh tế bao gồm cấp hàng ngàn giấy phép lao động cho người dân Gaza làm việc ở Israel hoặc khu Bờ Tây. Cùng đó, giới chức Israel duy trì sự phong tỏa chặt chẽ và tập trung vào nguy cơ bị phóng rốc-két từ dải Gaza.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này của Israel cũng bị đặt dấu chấm hỏi.
Sau ngày giao tranh đầu tiên, phía Israel đã có hơn 300 người Israel thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương. Tại Gaza, ít nhất 232 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.700 người.
Khói và lửa bốc lên sau khi lực lượng Israel tấn công một tòa nhà cao tầng ở Gaza nhằm trả đũa hành động của nhóm Hamas. Ảnh: Reuters
Cựu quan chức Israel nói vì bị lỗi hệ thống, hàng rào phòng vệ nước này không hoạt động khi bị lực lượng Hamas xâm nhập và tấn công.
Nguồn: [Link nguồn]