Thủ tướng Úc nói về khả năng loại bỏ vai trò nguyên thủ của vua Anh
Thủ tướng Úc Anthony Albanese không loại trừ khả năng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong tương lai để đưa Úc trở thành nước Cộng hòa, nhưng nói rằng thảo luận về điều đó vào lúc này là "chưa phù hợp" vì lễ tang nữ hoàng Anh Elizabeth II vẫn đang diễn ra.
Ông Albanese là người có quan điểm thúc đẩy nền cộng hòa ở Úc.
Ông Albanese đưa ra tuyên bố ngày 12/9, khi bảo vệ quyết định công bố ngày 22/9 sẽ là ngày nghỉ lễ để tưởng nhớ Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
"Các nghi thức truyền thống đôi khi sẽ đem đến sự bất tiện", ông Albanese nói, phản hồi các tranh cãi về việc quy định ngày nghỉ lễ toàn quốc. "Nhưng tôi nghĩ ngày 22/9 là ngày đất nước xích lại gần nhau, mang ý nghĩa trên cả chính trị".
Ông Albanese và Toàn quyền Úc David Hurley sẽ đến London dự lễ tang nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 19/9. Lễ tưởng niệm tại Úc được tổ chức sau khi ông Albanese quay về nước vào ngày 21/9.
Khi được hỏi về việc liệu ông có tổ chức trưng cầu dân ý trong nhiệm kỳ 2 để từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến trong đó nhà vua Anh là nguyên thủ quốc gia Úc hay không, ông Albanese nói với ABC News: "Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về vấn đề này".
"Giờ chưa phải là lúc để nói về sự thay đổi hiến pháp. Giờ là lúc để bày tỏ lòng biết ơn với nữ hoàng Elizabeth II vì sự cống hiến của bà đối với Úc, Khối Thịnh vượng chung và thế giới", ông Albanese nói thêm.
Người Úc đặt bó hoa bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Sydney, chia buồn với sự ra đi của nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Ông Albanese nói ưu tiên trước mắt của ông là công nhận quyền của người Úc bản địa và quy định rõ điều này trong hiến pháp. Tuy vậy, ông Albanese để ngỏ khả năng tổ chức trưng cầu dân ý để đưa Úc trở thành nước cộng hòa, nhưng chỉ trong nhiệm kỳ 2.
Phong trào thúc đẩy nền cộng hòa ở Úc đã mất đà sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý thất bại năm 1999. Nhưng sự ra đi của nữ hoàng Anh Elizabeth II một lần nữa dấy lên lời kêu gọi về việc chấm dứt ảnh hưởng của hoàng gia Anh ở Úc.
Lãnh đạo đảng Xanh ở Úc, Adam Bandt đang thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý thay đổi hiến pháp. Thượng nghị sĩ Úc Mehreen Faruqi cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Ông Albanese cũng là người ủng hộ quan điểm đưa Úc trở thành nước cộng hòa. Sau khi nhậm chức vào tháng 5 năm nay, Thủ tướng Úc Albanese từng gây tranh cãi khi bổ nhiệm Matt Thistlethwaite làm trợ lý bộ trưởng phụ trách về nền cộng hòa.
Dennis Altman, phó hiệu trưởng của Đại học La Trobe ở Úc, nhận định trên tờ Guardian, rằng có một cách để đưa Úc trở thành nước cộng hòa dễ dàng hơn. Đó là đích thân vua Charles III tán thành điều này.
Ông Altman nói vua Charles III mặc định trở thành nguyên thủ quốc gia của Úc sau khi chính thức đăng quang ở Anh. Theo ông Altman, Úc cần có quyền tự chọn nguyên thủ quốc gia, nghĩa là từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến.
Ông Altman lưu ý rằng việc Úc trở thành nước cộng hòa không ảnh hưởng đến tư cách thành viên của nước này trong Khối Thịnh vượng chung. Ví dụ như Nam Phi và Ấn Độ là nước cộng hòa không chịu ảnh hưởng của hoàng gia Anh, nhưng vẫn thuộc khối này.
Các quốc gia thành viên trong khối không có nghĩa vụ pháp lý với nhau, nhưng duy trì hợp tác thông qua các giá trị lịch sử và văn hóa; chia sẻ những giá trị về dân chủ, nhân quyền và pháp trị. Những giá trị này được nêu trong Hiến chương Thịnh vượng chung.
Ngày 30/11/2021, Barbados - quốc đảo vùng Caribe đã chấm dứt vai trò nguyên thủ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại nước này. Lá cờ của hoàng gia Anh được hạ xuống khi buổi lễ bắt đầu, khép lại 396 năm hiện diện của nền quân chủ Anh tại Barbados.
Đại diện cho Nữ hoàng Anh, thái tử Charles khi đó tham dự buổi lễ tại Bridgetown, khẳng định Cộng hòa Barbados thành lập "mang đến khởi đầu mới".
Sự ra đi của nữ hoàng Anh Elizabeth II hôm 8/9 đánh dấu mốc kết thúc sau 70 năm trị vì của bà. Vua Charles III sẽ chính thức lên ngôi vào ngày 10/9, dẫn đến nhiều sự thay đổi...
Nguồn: [Link nguồn]