Thủ tướng Romania nhận định về mối quan hệ Nga - phương Tây

Ông Nicolae Ciuca – Thủ tướng Romania – nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Nga và NATO vào tình trạng đối đầu với mức độ căng thẳng tương đương thời Chiến tranh Lạnh.

Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca (ngoài cùng bên phải) trong chuyến thăm Kiev (ảnh: Bloomberg)

Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca (ngoài cùng bên phải) trong chuyến thăm Kiev (ảnh: Bloomberg)

Phát biểu tại Văn phòng Thủ tướng, ông Nicolae Ciuca cho rằng, NATO cần tăng cường và duy trì sự hiện diện ở biên giới phía đông trong nhiều năm tới, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine gây ra tình trạng mất an ninh châu Âu, Bloomberg đưa tin hôm 3/8.

“Nga không suy nghĩ như chúng tôi. Nga cũng không hành xử như chúng tôi”, ông Ciuca nói về căng thẳng Nga – NATO và nhấn mạnh, ông không tin Moscow có thể ra lệnh tấn công một nước thành viên NATO (như Romania) trong tình hình hiện tại.

Thủ tướng Romania nhận định, bằng chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow muốn tạo ra một “vùng đệm” giữa Nga và các nước thuộc khối NATO. Ông Ciuca lưu ý, quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ rất khó trở lại bình thường sau cuộc chiến ở Ukraine.

“Thật là nằm mơ khi mong muốn quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ sớm trở lại trạng thái như thời điểm trước xung đột ở Ukraine”, ông Ciuca nói.

Romania – quốc gia gần 19 triệu dân – đã gia nhập NATO năm 2004 và gia nhập EU 3 năm sau đó.

Trong xung đột Nga – Ukraine, Romania tuyên bố đứng về Kiev. Với đường biên giới chung dài 624 km, Romania đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, “né” phong tỏa của quân đội Nga ở Biển Đen. Hơn 1 triệu người tị nạn từ Ukraine được Romania tiếp nhận.

Ông Ciuca khẳng định, Romania sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong bối cảnh mùa đông đến gần và nhiều nước châu Âu (trong đó có Romania) tỏ ra lo ngại khi Nga siết nguồn cung khí đốt. Ông Ciuca nhấn mạnh, áp lực từ Moscow không khiến Romania chùn bước.

Thủ tướng Romania thông báo, chính phủ nước này đang có kế hoạch năng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP, vượt qua mức tối thiểu mà NATO yêu cầu (2%).

“Khoảng 1/3 ngân sách quốc phòng sẽ được sử dụng để mua sắm vũ khí, bao gồm máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe bọc thép và máy bay không người lái”, ông Ciuca nói.

Xe tăng thuộc lực lượng NATO trong một cuộc tập trận (ảnh: CNN)

Xe tăng thuộc lực lượng NATO trong một cuộc tập trận (ảnh: CNN)

Phát biểu của Thủ tướng Romania được đưa ra trong bối cảnh xung đột ở nước láng giềng ngày càng căng thẳng, theo Bloomberg.

Hôm 3/8, quân đội Ukraine tuyên bố chặn các mũi tiến công của Nga vào thành phố Bakhmut (Donetsk), buộc đối phương phải rút lui.

“Đối phương mở cuộc tấn công ở Berestove, vùng ngoại ô phía tây Bakhmut, song không thành công và phải rút lui”, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay.

Thị trấn Berestove nằm cách thành phố Bakhmut khoảng 30 km.

Quân đội Ukraine cũng tuyên bố chặn các mũi tiến công khác của Nga ở 2 thị trấn Volodymyrivka và Yakovlivka, cũng như mũi tiến công từ Semyhiria đến Kodema ở phía đông Bakhmut.

“Đối phương cũng pháo kích vào thị trấn Avdiivka, tìm cách cải thiện vị trí chiến thuật nhưng không thành công. Họ hứng chịu tổn thất và phải rúi lui”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine thông báo.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Zelensky thừa nhận thực tế ở Donbass

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, quân đội nước này không thể phá vỡ lợi thế về pháo binh và lực lượng của Nga ở mặt trận miền đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – Bloomberg, CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN