Thủ tướng Pakistan bị phế truất
Phe đối lập Pakistan đã phế truất Thủ tướng Imran Khan trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 9.4.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan.
Quyền chủ tịch Hạ viện Sardar Ayaz Sadiq cho biết, 174 trong 342 nghị sĩ Hạ viện đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Imran Khan. Với kết quả này, ông Khan là Thủ tướng Pakistan đương nhiệm đầu tiên bị mất chức do bỏ phiếu bất tín nhiệm, theo AP.
Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội do phe đối lập khởi xướng, một số đồng minh và đảng liên minh quan trọng quay lưng với ông Khan, là nguyên nhân khiến ông bị bãi nhiệm.
Theo AP, liên minh phe đối lập ở Pakistan sẽ thành lập chính phủ mới, trong đó người đứng đầu là lãnh đạo một trong những đảng phái lớn nhất.
Shehbaz Sharif, 70 tuổi, người đứng đầu Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N, gần như chắc chắn sẽ được chọn để trở thành tân Thủ tướng.
Trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Khan đã cố gắng tìm cách giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử sớm nhưng bị tòa án tối cao bác bỏ. Quốc hội Pakistan sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 11.4 để chính thức bầu thủ tướng mới.
Hôm 8.4, ông Khan cáo buộc phe đối lập ngả về phía Mỹ, chống lại chính sách đối ngoại gần gũi với Nga và Trung Quốc hiện nay.
Ông Khan nói Washington ngăn ông sang Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24.2, vài giờ sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Mỹ bác bỏ cáo buộc can thiệp vào chính trị Pakistan, khẳng định các tin đồn là không chính xác.
Ông Khan kêu gọi người dân đổ ra đường biểu tình, đặc biệt là giới trẻ, những người từng góp phần không nhỏ giúp cựu ngôi sao cricket trở thành Thủ tướng Paksistan vào năm 2018.
“Các bạn phải hành động để bảo vệ tương lai, bảo vệ nền dân chủ, chủ quyền và nền độc lập của các bạn. Đây là nhiệm vụ của các bạn”, ông nói. "Tôi sẽ không chấp nhận một chính phủ áp đặt."
Nếu nhận được sự ủng hộ đủ lớn của người dân, ông Khan được cho là có thể gây sức ép để Quốc hội Pakistan giải tán và tổ chức cuộc bầu cử mới.
Trung Quốc, Iran, Pakistan và Nga có cùng điểm chung mâu thuẫn với phương Tây nhưng liệu đây có thể là yếu tố giúp bốn nước nâng tầm quan hệ?
Nguồn: [Link nguồn]