Thủ tướng Nhật bị ném bom khói: Vì sao người khống chế nghi phạm lại là ngư dân?
Ngư dân giúp khống chế kẻ ném bom khói vào Thủ tướng Nhật Bản bị bất ngờ với cách đội ngũ an ninh bảo vệ Thủ tướng Fumio Kishida.
Nhà chức trách Nhật Bản phong tỏa cảng cá Saikazaki để phục vụ điều tra.
Hôm 15/4, ngư dân Tsutomu Konishi đang theo dõi ông Kishida phát biểu tại một sự kiện vận động cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở cảng cá Saikazaki, tỉnh Wakayama, thì nhận thấy có một vật thể bay qua đầu mình và rơi gần nơi Thủ tướng Nhật bản đang đứng.
Các nhân viên an ninh tỏ ra bị động, tìm cách che chắn vật thể bằng valy chống đạn, ông Konishi nói, theo hãng thông tấn AP. Ông Konishi và các ngư dân khác ngay sau đó đã khống chế nghi phạm gây ra vụ tấn công.
Một trong những ngư dân túm lấy cổ áo nghi phạm và một người khác ấn đầu nghi phạm xuống. Ông Konishi giữ lấy chân nghi phạm. Lực lượng an ninh sau đó mới tiến tới thay thế các ngư dân để khống chế, buộc nghi phạm nằm úp mặt xuống đất.
Trong khi lực lượng an ninh đang giữ nghi phạm, một tiếng nổ lớn vang lên khiến đám đông hốt hoảng. Vật thể mà nghi phạm ném về phía ông Kishida sau đó được xác định là bom khói tự chế.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có chuyến vận động tranh cử ở cảng cá Saikazaki hôm 15/4.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ sự việc này lại xảy ra ở quê hương, vốn chỉ là một khu vực đánh cá nhỏ", ông Konishi, 41 tuổi, nói hôm 16/4. "Đến bây giờ, tôi vẫn bị sốc và cảm thấy ngỡ ngàng".
Thủ tướng Nhật Bản không hề hấn gì trong vụ việc nhưng giống như những người khác, ông Konishi cho rằng, chính phủ cần bảo vệ các nhân vật của công chúng một cách tốt hơn.
"Tôi nghĩ đội ngũ an ninh cần chuẩn bị sẵn các thiết bị dò kim loại ở nơi Thủ tướng sẽ tới", ông Konishi nói.
Masaki Nishide, ngư dân 55 tuổi sống ở cảng cá Saikazaki, nói hầu hết những người tham gia sự kiện hôm 15/4 là cư dân và những người ủng hộ một ứng viên địa phương. Nghi phạm trẻ tuổi trông rất khả nghi khi đeo một ba lô màu xám bạc.
Nghi phạm 24 tuổi bị khống chế sau khi ném bom khói về phía ông Kishida.
"Mọi người có mặt khi đó đều mặc đồ như chúng tôi, không ai đeo ba lô cả, ngoại trừ nghi phạm", ông Nishide nói. "Nếu tôi là chỉ huy đội ngũ an ninh, tôi chắc chắn sẽ yêu cầu kiểm tra người đeo ba lô đó".
Cảnh tượng hỗn loạn sáng 15/4 gợi nhớ đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe cách đây 9 tháng. Đội ngũ an ninh bảo vệ ông Abe khi đó để lộ nhiều sơ hở để khi nghi phạm tiếp cận và nổ súng tự chế.
Bạo lực liên quan đến tội phạm rất hiếm khi xảy ra ở Nhật, một phần do nước này có quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ. Ở Nhật, một nhóm các cảnh sát được giao nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng đương nhiệm. Một số ít sĩ quan khác tham gia bảo vệ thành viên Nội các và các cựu lãnh đạo.
Thông thường, người dân Nhật Bản được phép tiếp cận rất gần các ứng viên hoặc các quan chức tham gia vận động tranh cử. Tại sự kiện vận động tranh cử cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ông Kishida đứng phát biểu rất gần các khán giả ở hàng đầu.
Isao Itabashi, một chuyên gia về an ninh công cộng, nói đài truyền hình NHK rằng, vụ tấn công ngày 15/4 đã đặt câu hỏi về cách các chiến dịch vận động tranh cử diễn ra.
Việc bảo vệ chính trị gia trong các chiến dịch tranh cử được coi là rất khó về mặt hậu cần và việc cân bằng an ninh cũng là một thách thức.
Kiyotaka Hamada, 70 tuổi, thành viên cấp cao của hiệp hội đánh cá địa phương, cho biết ông cảm thấy có thứ gì đó đập vào vai mình ngay khi nghe thấy tiếng nổ nhưng may mắn là ông không bị thương.
“Tôi chỉ muốn hỏi nghi phạm tại sao anh ta phải đến đây để gây rắc rối,” ông Hamada nói.
Đối với ông Hamada và các ngư dân khác, họ lo lắng về việc mất thu nhập do cảng cá phải tạm đóng cửa phục vụ điều tra. "Chúng tôi đã rất mong chờ chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng", ông Hamada nói. "Bây giờ, chúng tôi gặp khó khăn vì không thể ra biển".
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được sơ tán và may mắn không bị thương sau vụ nổ bom khói, nhưng năng lực của lực lượng an ninh bị nghi ngờ.
Nguồn: [Link nguồn]