Thủ tướng Israel nhận tin không vui
Tòa án Tối cao Israel có động thái mới liên quan tới đề án cải tổ tư pháp gây tranh cãi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP
Guardian ngày 1/1 đưa tin, tòa án Tối cao Israel đã hủy bỏ một đạo luật nằm trong đề án cải tổ tư pháp của chính phủ nước này.
Trong ngày đầu năm mới 2024, các thẩm phán của tòa án Tối cao Israel đã ra phán quyết bác bỏ đạo luật hạn chế quyền lực của tòa án Tối cao, cho rằng luật này gây tổn hại nghiêm trọng cho nền dân chủ Israel.
Quyết định mới của tòa án Tối cao Israel, được đưa ra trong phiên họp đầy đủ đầu tiên gồm 15 thành viên, có thể khơi lại những căng thẳng khiến Israel lo lắng trong mùa hè năm ngoái và chia rẽ chính quyền Israel sau vụ tấn công của Hamas hôm 7/10/2023.
Luật sư Gil Gan-Mor, đại diện cho 38 tổ chức nhân quyền phản đối đạo luật, hoan nghênh phán quyết của tòa án Tối cao Israel, cho rằng phán quyết này "loại bỏ các nỗ lực cản trở sự giám sát của cơ quan tư pháp với các quyết định của chính phủ".
Đây là lần đầu tiên tòa án tối cao Israel hủy bỏ một "luật cơ bản" gần như hiến pháp. Israel không có hiến pháp thành văn, thay vào đó, nước này áp dụng một tập hợp các Luật Cơ bản về quyền cùng nghĩa vụ công dân và tổ chức nhà nước, tương đương hiến pháp.
Một số cựu bộ trưởng tuyên bố sẽ coi bất kỳ phán quyết nào như của tòa án Tối cao Israel đưa ra ngày 1/1 là bất hợp pháp và không tuân thủ phán quyết đó.
Thủ tướng Israel Netanyahu chưa phản hồi ngay về phán quyết của tòa án Tối cao nước này, nhưng đảng Likud của ông tuyên bố, phán quyết đã đi ngược mong muốn "đoàn kết dân tộc" trong thời điểm đất nước có xung đột.
"Thật không may, tòa án Tối cao đã chọn ra phán quyết vào thời điểm các binh sĩ Israel đang phải căng mình chiến đấu và mạo hiểm tính mạng của họ trong các chiến dịch ở Gaza", đảng của Thủ tướng Netanyahu tuyên bố.
Esther Hayut, Cựu chủ tịch tòa án Tối cao Israel và là một trong những người ủng hộ phán quyết, cho rằng chiến tranh khiến phán quyết càng cấp bách hơn. Vì nó liên quan đến các nguyên tắc cốt lõi mà binh sĩ Israel đang mạo hiểm cả tính mạng để bảo vệ.
"Ngay cả trong thời điểm khó khăn này, tòa án vẫn phải hoàn thành vai trò của mình và quyết định các vấn đề được đưa ra trước tòa, đặc biệt là khi liên quan đến bản sắc cơ bản của Israel là một nhà nước Do Thái và dân chủ", ông Hayut nói.
Tháng 7/2023, sau 7 tháng tranh luận, quốc hội Israel đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm tước bỏ quyền phán quyết của cơ quan tư pháp về "tính hợp lý" trong các quyết định của chính phủ.
Dự luật nằm trong đề án cải tổ tư pháp, dẫn đến nhiều tháng biểu tình rầm rộ khiến chính quyền của ông Netanyahu phải chịu áp lực trong nước và quốc tế. Đề án cũng làm gia tăng sự chia rẽ tôn giáo, sắc tộc và giai cấp - vốn đã sâu sắc ở Israel - khiến quân đội nước này rơi vào tình trạng rối loạn và làm tổn hại tới quan hệ với các đồng minh. Tổng thống Mỹ Joe Biden thời điểm đó đã chỉ trích đề án cải cách tư pháp của chính quyền ông Netanyahu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Hamas cho đến khi phong trào này bị loại bỏ hoàn toàn và Dải Gaza không còn gây ra mối đe dọa nào...
Nguồn: [Link nguồn]