Thủ tướng Hungary nói về '4 lốp xe' trừng phạt của phương Tây với Nga

3 trong 4 “lốp xe” kỳ vọng của phương Tây khi trừng phạt Nga đã tạo hàng loạt thách thức bất ngờ đối với chế độ trừng phạt này.

Hungary vẫn tương đối trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Không giống nhiều thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU), Hungary đã từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và liên tục chỉ trích các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga. Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Nga, cũng để mở đàm phán để được miễn trừ lệnh cấm của toàn khối đối với dầu của Nga, theo đài RT ngày 22-10.

Thời gian gần đây Thủ tướng Hungary – ông Viktor Orban từng nêu quan điểm của ông rằng chiến lược trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga đã thất bại.

Bốn "lốp xe" kỳ vọng

Chiến lược này, theo ông, được xây dựng dựa trên bốn trụ cột kỳ vọng: 1/Ukraine có thể giành chiến thắng với sự hậu thuẫn của NATO; 2/Các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại cho Nga nhiều hơn cho châu Âu; 3/Phần còn lại của thế giới sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga; 4/ Trừng phạt sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nước Nga.

Tuy nhiên ba “lốp xe” sau đã tạo hàng loạt thách thức bất ngờ đối với chế độ trừng phạt của phương Tây.

Sau thời gian đồng rup bị giảm giá khi Mỹ và EU áp hàng loạt hạn chế tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga nhanh chóng can thiệp. Chẳng những không bị giảm xuống thành "đồng nát" như Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố hồi tháng 3, đồng rúp trở thành một trong những đồng tiền hoạt động mạnh nhất thế giới trong năm nay. Theo đài CNN thì hiện đồng rúp có giá trị mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 2018.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, hiện đã chững lại sau mức cao nhất của tháng 4 là 18%. Ngoài ra, các ngân hàng và doanh nghiệp từ các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc đã giúp giảm bớt phần nào tác động tiêu cực, bằng cách duy trì quan hệ kinh doanh với Nga.

Dòng xe làm thủ tục lưu thông tại biên giới Nga-Phần Lan. EU đang tính toán áp lệnh cấm thị thực với công dân Nga. Ảnh: TASS

Dòng xe làm thủ tục lưu thông tại biên giới Nga-Phần Lan. EU đang tính toán áp lệnh cấm thị thực với công dân Nga. Ảnh: TASS

Mặc dù hành động rút vốn của phương Tây khỏi Nga có vẻ áp đảo về quy mô, nhưng thực tế có khác hơn, theo tạp chí National Interest. Nga đã kích hoạt thành công một loạt các kế hoạch “nhập khẩu song song”. Từ quần jean Levi’s cho đến iPhone của Apple, nhiều sản phẩm thông thường và xa xỉ vẫn có sẵn ở các trung tâm đô thị Nga, mặc dù thực tế các nhà sản xuất này không còn cung cấp trực tiếp cho thị trường Nga nữa.

Những hàng hóa này thường đến Nga từ các thực thể có trụ sở tại các nước thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Belarus và Armenia. Nga tạo điều kiện cho hoạt động này bằng cách dỡ bỏ các hạn chế đối với việc bán lại nhiều loại hàng hóa được mua ở nước ngoài.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga Denis Manturov, các giao dịch này, còn được gọi là giao dịch trên thị trường xám, đã đạt tổng cộng 6,5 tỉ USD kể từ tháng 5 và dự kiến đạt 16 tỉ USD vào cuối năm nay.

Các sản phẩm và dịch vụ khác cũng tiếp tục được cung cấp thông qua các liên doanh đổi mới thương hiệu. McDonald’s và Starbucks - đều ngừng hoạt động ở Nga không lâu sau khi Nga đưa quân sang Ukraine - đã được thay thế bằng các công ty kế nhiệm cung cấp các sản phẩm gần giống hệt nhau với nhãn hiệu tương tự.

Thực ra bắt đầu từ năm 2014 sau khi bị Mỹ trừng phạt vì sáp nhập Crimea từ Ukraine, chính phủ Nga đã thúc đẩy việc nhượng quyền thương mại phương Tây lấy nguồn cung cấp tại địa phương, và giờ chính sách đó cho thấy hiệu quả vì hiện nay rất khó để nhập khẩu.

Thách thức lớn nhất

Có lẽ thách thức lâu dài và lớn nhất đối với chiến lược của phương Tây nhằm siết chặt Nga là việc các nền kinh tế lớn không chỉ từ chối tham gia chế độ trừng phạt do Mỹ dẫn đầu mà còn tiếp tục làm sâu sắc thêm các mối quan hệ thương mại và tài chính với Nga.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong nửa năm qua. Mỹ gần đây phàn nàn việc Ấn Độ bán dầu tinh luyện của Nga cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Có thông tin Ấn Độ cũng chuyển dầu tinh luyện của Nga sang bán cho châu Âu, theo National Interest.

Ngay trong nội bộ phương Tây, những thách thức kinh tế gia tăng của châu Âu làm dấy lên lo ngại rằng các quốc gia EU có thể sẽ dần tách khỏi chế độ trừng phạt với Nga.

Ngay cả trước khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu, thăm dò cho thấy phần lớn người dân châu lục này- bao gồm 49% người Đức - ủng hộ dàn xếp thương lượng với Nga, hơn là phải chiến đấu để thấy được thất bại rõ ràng của Nga.

Xu hướng ngày càng gia tăng này có nguy cơ sẽ chia cắt mặt trận thống nhất của phương Tây về Ukraine trước khi chế độ trừng phạt có thể gây thiệt hại quyết định đến nền kinh tế Nga.

Chính vì thế mà Thủ tướng Hungary - ông Orban kết luận rằng “chúng ta đang ngồi trên một chiếc ô tô bị thủng cả bốn lốp, và rõ ràng là không thể thắng cuộc chiến theo cách này”. Ông Orban đề xuất “cần có một chiến lược mới tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình và soạn thảo một đề xuất hòa bình tốt… thay vì chiến thắng trong chiến tranh”.

Thủ tướng Estonia lý giải chuyện 'EU đang giảm dần quyết tâm trừng phạt Nga'

Thủ tướng Estonia - bà Kaja Kallas thừa nhận rằng tinh thần quyết tâm trừng phạt Nga đã giảm đi trong nội bộ EU khi khối này đang đối mặt với các vấn đề trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN