Thủ tướng Đức kêu gọi giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: Các ông chủ lớn phản đối
Việc từ bỏ Trung Quốc là "điều không tưởng" với ngành công nghiệp Đức, một ông chủ lớn tuyên bố. Một số ông chủ lớn khác ở Đức cũng đồng quan điểm.
Chủ của các doanh nghiệp lớn ở Đức không ủng hộ lời kêu gọi giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Zuma
Bloomberg ngày 24/5 đưa tin, chính phủ Đức của Thủ tướng Olaf Scholz đang cố gắng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng các ông chủ từ một số công ty lớn nhất ở Đức không đồng ý với điều này.
Ông chủ của các tập đoàn, công ty lớn ở Đức như công ty hóa chất BASF SE, tập đoàn ô tô Mercedes-Benz AG hay Volkswagen AG đang tìm cách tách lợi ích kinh doanh khỏi những lo ngại chính trị gia tăng liên quan đến xung đột ở Ukraine. Cuộc xung đột cho thấy sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga. Theo Bloomberg, sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc thậm chí còn hơn thế.
Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm ngoái lên gần 300 tỷ euro (323 tỷ USD). Ngoài các khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy địa phương, Trung Quốc còn là nhà cung cấp phụ tùng và vật liệu cũng như đối tác mua hàng quan trọng của các công ty Đức.
BASF đang đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào một nhà máy hóa chất ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Volkswagen tái khẳng định cam kết đầu tư với một nhà máy ô tô ở Tân Cương.
"Chúng tôi sẽ không từ bỏ Trung Quốc", Arno Antlitz, giám đốc tài chính của Volkswagen, tuyên bố.
Tuyên bố từ lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn ở Đức đã đi ngược lại lời kêu gọi giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của Thủ tướng Scholz. Berlin nhấn mạnh đến việc "giảm thiểu rủi ro" hơn là "chấm dứt hoàn toàn" phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tuần trước, ông Scholz nói rằng, các mối quan hệ thương mại cần phải thay đổi để "những rủi ro về sự phụ thuộc vào một quốc gia hoặc một vài quốc gia không trở nên nghiêm trọng".
Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Đức chú ý tới phát biểu trên của ông Scholz. Vào tháng 4, Ola Källenius, giám đốc điều hành của tập đoàn Mercedes, nói rằng việc từ bỏ phụ thuộc vào Trung Quốc là "điều không tưởng" với ngành công nghiệp Đức.
"Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc - những nền kinh tế lớn của kinh tế thế giới - gắn bó chặt chẽ với nhau đến mức, việc tách rời khỏi Trung Quốc là vô nghĩa", ông Källenius nói.
Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% lượng giao hàng của Mercedes, với số lượng xe bán ra ở đây nhiều gấp đôi so với ở Mỹ.
Roland Busch, giám đốc điều hành của công ty Siemens, tuyên bố sẽ "bảo vệ" và "mở rộng" thị phần của công ty tại Trung Quốc. Ngày 24/5, Financial Times dẫn lời ông Busch cho rằng, các khách hàng Trung Quốc là những người thúc đẩy Siemens đổi mới.
Phát ngôn viên của chính phủ Đức đáp lại bằng một lời cảnh báo bất thường.
"Đây là lời kêu gọi của chính phủ Đức: Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ", Steffen Hebestreit, phát ngôn viên chính phủ Đức, nói với các phóng viên ở Berlin. "Lãnh đạo của Siemens sẽ luôn phải tính toán để xác định chỗ đứng của công ty và phải chấp nhận rủi ro lớn".
Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Đức vẫn lựa chọn gắn bó với thị trường khổng lồ ở Trung Quốc.
"Thế giới không ít rủi ro hơn khi nó bị phân chia, mà ngược lại", Stefan Hartung, người đứng đầu tập đoàn phụ tùng ô tô khổng lồ Robert Bosch GmbH (Đức), nói vào đầu tháng này.
Tương tự, Martin Brudermüller, giám đốc điều hành của BASF cảnh báo rằng, việc không mở rộng phát triển với Trung Quốc sẽ gây ra nhiều rủi ro hơn là "giảm phụ thuộc" vì lo ngại địa chính trị.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Thủ tướng Đức không coi trọng cái chết của người dân vùng Donbass là không thể chấp nhận được.