Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam: 'Làn gió mới' cho quan hệ song phương
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Campuchia Hun Manet có ý nghĩa quan trọng và mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet thăm chính thức Việt Nam (VN) từ hôm nay (11-12) đến 12-12 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là chuyến công du VN đầu tiên của ông Hun Manet trên cương vị thủ tướng Campuchia.
Chuyến thăm đầy ý nghĩa và kỳ vọng
TS Neak Chandarith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và chính sách công thuộc ĐH Hoàng gia Phnom Penh
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Neak Chandarith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và chính sách công thuộc ĐH Hoàng gia Phnom Penh, đánh giá rằng chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị lâu đời theo tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” vì lợi ích chung của hai dân tộc. Chuyến thăm làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của quan hệ hai nước, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cũng như thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giải quyết vấn đề biên giới.
Tôi tin tưởng vào tương lai quan hệ song phương Campuchia - VN, khi hai nước đã và đang duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Việc duy trì ổn định chính trị, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu nhân dân cũng như nỗ lực hiểu nhau và tìm giải pháp chung cho những vướng mắc mà hai bên gặp phải sẽ mang lại hòa bình, ổn định dọc biên giới, tạo điều kiện để hai nước cùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ông UCH LEANG, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia |
Học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Ảnh nhân vật cung cấp
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, tin tưởng rằng chuyến thăm lần này là sự tiếp nối mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, vốn đã rất phát triển dưới thời Thủ tướng Hun Sen. Học giả này lưu ý đến việc ông Hun Manet từ khi nhậm chức thủ tướng Campuchia dù chưa thăm chính thức VN nhưng đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao VN bên lề các sự kiện quốc tế nhằm duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và thúc đẩy quan hệ song phương.
Thời gian qua, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác song phương. VN hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và cũng là quốc gia đứng đầu trong khối ASEAN đầu tư vào Campuchia. Hai bên đã hoàn thành khoảng 84% việc cắm mốc biên giới hữu nghị và đang tiếp tục đàm phán để hoàn thành phần còn lại.
TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ kỳ vọng rằng với năng lực, trình độ và sức trẻ, TS Hun Manet trên cương vị thủ tướng Campuchia sẽ mang lại những bước phát triển mang tính sáng tạo, đột phá trong chính sách của Campuchia nói chung và quan hệ song phương với VN nói riêng. Điều này sẽ tạo điều kiện để hai nước láng giềng chung sống ổn định, hòa bình, hữu nghị và cùng nhau phát triển.
Cơ hội vàng cho hợp tác kinh tế
TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh nhân vật cung cấp
Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Campuchia đang cho thấy chú trọng mối quan hệ với VN và tận dụng sự thuận lợi của vị trí láng giềng hai bên để thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế. Với lịch trình công du có nhiều nội dung liên quan đến hợp tác kinh tế, như việc thủ tướng VN và Campuchia sẽ đồng chủ trì Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Campuchia - VN và chứng kiến lễ ký kết một số hiệp định, chuyến thăm sẽ tạo động lực để hai bên tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác ở lĩnh vực này.
Ông Uch Leang lưu ý rằng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Hun Manet cũng sẽ có bài thuyết trình về chính sách phát triển kinh tế của Campuchia và quan hệ kinh tế giữa Campuchia - VN tại ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Mục đích nhằm giúp sinh viên hiểu được tầm nhìn của Campuchia trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.
“Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Campuchia đã khuyến khích hợp tác kinh tế nhằm thu hút đầu tư từ các nước láng giềng, đặc biệt từ VN trong bối cảnh nước này đã và đang đầu tư vào Campuchia trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, điều này cũng tạo niềm tin cho thế hệ trẻ rằng chính phủ Campuchia luôn khuyến khích và cởi mở với nguồn đầu tư nước ngoài” - ông Uch Leang nhận định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia vào tháng 10-2023. Ảnh: TTXVN
TS Neak Chandarith cho rằng hợp tác kinh tế là một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ VN - Campuchia và là một dấu ấn trong chuyến thăm của ông Hun Manet lần này. Tuy nhiên, theo TS Neak Chandarith, cũng cần lưu ý rằng đây không phải là ưu tiên duy nhất trong quan hệ song phương mà còn có nhiều vấn đề quan trọng và bao trùm khác, bao gồm an ninh, chính trị, văn hóa và hợp tác khu vực.
Học giả Uch Leang khẳng định rằng hợp tác toàn diện với VN mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Campuchia. Vị học giả chỉ ra rằng trong Chiến lược Ngũ giác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia hiện nay thì Campuchia tập trung vào năm ưu tiên, trong đó phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu. VN từ lâu đã hỗ trợ đào tạo nguồn sinh viên Campuchia, vì vậy hợp tác với VN nói chung, đào tạo nguồn nhân lực nói riêng sẽ giúp nền kinh tế Campuchia khởi sắc.
Quan hệ Việt Nam - Campuchia ổn định giúp tăng cường sức mạnh ASEAN Nhận định với Pháp Luật TP.HCM, TS Neak Chandarith cho rằng quan hệ ổn định, hợp tác giữa VN và Campuchia đang góp phần vào hòa bình, ổn định chung của khu vực ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á). Theo nhà nghiên cứu này, việc hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh, quản lý biên giới và chia sẻ nhận thức chung về vấn đề xây dựng ASEAN sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, kết nối khu vực cũng như góp phần đảm bảo an ninh, ổn định khu vực. “Quan hệ VN - Campuchia ổn định không chỉ cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế song phương mà còn góp phần tăng cường sức mạnh của ASEAN… Hai nước đều nhận thức tầm quan trọng của hội nhập khu vực và xây dựng một cộng đồng ASEAN thống nhất, điều này sẽ tăng cường hơn nữa sự đoàn kết và ảnh hưởng của ASEAN” - TS Neak Chandarith nhận định. |
Thành phần nội các mới của Campuchia do Thủ tướng Hun Manet lãnh đạo bao gồm 10 phó thủ tướng, 21 bộ trưởng cấp cao và 22 bộ trưởng.
Nguồn: [Link nguồn]