Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu đầy ‘bão tố’

Thủ tướng Anh Rishi Sunak vượt qua cuộc bỏ phiếu khó khăn cho kế hoạch đưa những người nước ngoài xin tị nạn đến Rwanda.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AP)

Ngày 17/1, Hạ viện Anh thông qua dự luật, nhằm cho phép đưa những người xin tị nạn ở Vương quốc Anh đến Rwanda trong thời gian chờ xem xét.

Trong thời gian qua, ông Sunak đối mặt với nguy cơ bị cả phe ôn hòa và cánh hữu trong đảng Bảo thủ của ông quay lưng trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về chính sách gây nhiều tranh cãi này. Cuối cùng, các nghị sĩ bỏ phiếu với tỷ lệ 320 – 276 để ủng hộ dự luật, nhằm vượt qua nguy cơ bị Toà án tối cao chặn lại.

Tuy nhiên, chính sách vẫn có thể vấp phải những rào cản chính trị và pháp lý khác.

Lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer nhấn mạnh việc Chính phủ Anh gần đây thừa nhận họ đã mất dấu khoảng 85% trong số 5.000 người định đưa đến Rwanda.

Ông Starmer chất vấn liệu Chính phủ có thể xác định được vị trí của những người này hay không, đồng thời cho rằng kế hoạch chuyển họ đến Rwanda tốn kém và không hiệu quả.

“Ông ấy không biết họ ở đâu phải không? Tôi có thể nói với các bạn một nơi mà họ không đến, đó là Rwanda. Bởi vì những người mà Thủ tướng cử đến Rwanda chỉ là các bộ trưởng trong chính phủ”, ông Starmer châm biếm.

Nỗ lực của Anh nhằm đưa những người nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này đến Rwanda được đưa ra từ năm 2021, khi ông Sunak vẫn còn là bộ trưởng tài chính trong chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson.

Việc triển khai kế hoạch trở thành thách thức đối với các chính phủ kế nhiệm, khi có nhiều vấn đề chính trị và pháp lý không dễ xử lý.

Những người ủng hộ cho rằng cách này giúp giảm tình trạng di cư, trong bối cảnh số người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp vào Anh đều tăng mạnh dù nước này đã rời Liên minh châu Âu.

Phe cực hữu, đặc biệt là cựu lãnh đạo UKIP Nigel Farage, gây áp lực lớn về vấn đề người di cư vượt qua eo biển Anh, thường là từ Pháp, trên những chiếc thuyền nhỏ.

Kế hoạch được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 17/1 nhằm hạn chế mức độ kiện tụng quy trình này ra tòa.

Chính phủ Anh cho biết, Rwanda nói rằng họ sẽ chỉ chấp nhận thoả thuận không vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Những người theo đường lối cứng rắn muốn kế hoạch có ngôn ngữ rõ ràng hơn để loại trừ nguy cơ kiện tụng ra các tòa án châu Âu.

Cam kết chặn thuyền

Đảng Bảo thủ lên nắm quyền ở Anh từ năm 2010 và đang dẫn trước Công đảng với khoảng cách lớn trong các cuộc thăm dò. Cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra trước tháng 1 năm sau.

Cương lĩnh gần đây của đảng Bảo thủ đưa ra 5 cam kết chính, trong đó 3 cam kết liên quan đến ổn định nền kinh tế và giảm thiểu các vấn đề như lạm phát, 1 cam kết cải thiện hệ thống y tế, và cuối cùng là cam kết "chặn thuyền".

Chính sách này nhằm hướng đến những cử tri chưa ủng hộ và một số thành viên cánh hữu trong đảng.

Nigel Farage, người đi đầu phong trào Brexit, hiện chủ yếu kiếm sống bằng truyền thông, đã tạo ra một nền tảng để huy động nhóm mang tên Cải cách Vương quốc Anh. Một số cuộc thăm dò gần đây ước tính rằng nếu nhóm này ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử, họ có thể giành được tới 10% số phiếu.

Cuộc bỏ phiếu ngày 17/1 được các chính trị gia trên khắp châu Âu quan tâm.

Liên minh châu Âu cũng đang tiến hành chính sách cải cách di cư. Một số quốc gia thành viên gần đây đưa ra kế hoạch tương tự như kế hoạch mà Chính phủ Anh đang nỗ lực thực hiện.

Đảng đối lập CDU/CSU của Đức đề xuất Berlin hợp tác với Chính phủ Rwanda.

Tối ngày 16/1 (giờ Anh), khoảng 60 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền đã bỏ phiếu ủng hộ việc chỉnh sửa dự luật đưa người nhập cư trái phép đến Rwanda (Dự luật Rwanda) theo hướng cứng rắn hơn, qua đó tiếp tục tạo áp lực lớn lên Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước cuộc bỏ phiếu then chốt tiếp theo của dự luật gây tranh cãi ở chính trường nước này trong suốt thời gian qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - DW ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN