Thủ tướng Anh nêu quan điểm về Trung Quốc
Theo truyền thông Anh, bình luận mới liên quan tới quan điểm về Trung Quốc có thể khiến Thủ tướng Anh đối mặt với sự phẫn nộ từ một lượng lớn các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ do ông lãnh đạo.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang có mặt tại Indonesia tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AP
Phát biểu với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, Thủ tướng Anh Rishi Sunak bảo vệ quan điểm coi Trung Quốc là "một thách thức" thay vì "mối đe dọa", nói rằng quan điểm này phù hợp với hầu hết các đồng minh của Anh, theo Guardian.
"Quan điểm của tôi về Trung Quốc rất thẳng thắn. Tôi nghĩ Trung Quốc là một thách thức mang tính hệ thống với các giá trị và lợi ích của chúng ta", ông Sunak nói.
"Đó là những gì tôi đã nói suốt mùa hè vừa qua. Và đó là lý do vì sao chúng ta phải nắm lấy những quyền lực để tự bảo vệ mình trước thách thức đó", Thủ tướng Anh nói thêm.
Ông Sunak cho rằng, đạo luật Đầu tư và An ninh quốc gia là một phần quan trọng giúp Anh có đủ quyền hạn cần thiết để đưa ra hành động đối phó với Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh trở thành nguy cơ an ninh với London.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh nói rằng, các lãnh đạo thế giới không thể phớt lờ Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của nước này trong các vấn đề toàn cầu.
"Tôi cũng nghĩ rằng Trung Quốc là một thực tế không thể chối bỏ của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta không thể giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng hay khủng hoảng Nga - Ukraine mà không đối thoại với Bắc Kinh", ông Sunak bình luận.
Theo truyền thông Anh, bình luận của Thủ tướng Anh về Trung Quốc có thể gây ra phẫn nộ trong đảng Bảo thủ khi một số lượng lớn thành viên hoài nghi về Trung Quốc.
Quan điểm của ông Sunak về Trung Quốc cũng khác biệt so với người tiền nhiệm Liz Truss. Khi còn đương nhiệm, bà Truss cam kết sẽ sửa lại trong các tài liệu và cách nói chính thức về Trung Quốc rằng nước này là một "mối đe dọa" thay vì "đối thủ cạnh tranh có hệ thống" như dưới thời ông Boris Johnson.
Nguồn: [Link nguồn]
Bắc Kinh kêu gọi quốc gia châu Âu tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và xem xét lại mối quan hệ với đảo Đài Loan.