Thủ tục vào NATO: Phần Lan muốn gia nhập liệu có dễ?
Không chỉ nổi tiếng với điều 5 về quy chế phòng thủ chung, NATO – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – còn khiến nhiều nước, trong đó có Nga, lo ngại vì điều 10 với quy định mở rộng thành viên.
NATO sẽ tiếp tục mở rộng biên giới với Nga nếu Phần Lan gia nhập (ảnh: Teijamakkonen)
Năm 1949, 4 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, NATO được thành lập với 12 thành viên ban đầu, trong đó nổi bật là 3 trụ cột Mỹ, Anh, Pháp. Mục tiêu chính của liên minh là đối phó với sự lớn mạnh của Liên Xô ở châu Âu. Năm 1955, Đức cũng gia nhập NATO và trở thành trụ cột an ninh thứ 4 của khối quân sự lớn nhất thế giới.
Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, vai trò của NATO ngày càng được nhắc đến nhiều khi khối này không ngừng viện trợ quân sự cho Kiev cũng như tìm cách mở rộng thành viên.
Hôm 12.5, lãnh đạo Phần Lan đã tuyên bố muốn gia nhập NATO “ngay lập tức”. 3 ngày sau, chính phủ Phần Lan chính thức tuyên bố ý định gia nhập NATO sau cuộc họp nội các. Theo một số chuyên gia, việc Phần Lan – quốc gia có truyền thống trung lập – gia nhập NATO là hành động khiêu khích Nga “không cần thiết”.
Những lo ngại của Nga về kịch bản Phần Lan gia nhập NATO là có cơ sở thực tế, theo Guardian. Phần Lan có đường biên giới dài 1.340 km với Nga. Sự tham gia của Phần Lan sẽ mở rộng ảnh hưởng của NATO đến tận Bắc Cực – khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt địa chính trị do có tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí chiến lược quan trọng. Đây là nơi cả Nga, Phần Lan và Mỹ đều có tuyên bố chủ quyền, theo Guardian.
Kịch bản Phần Lan gia nhập NATO được cho là sẽ kéo theo căng thẳng quân sự ở khu vực biển Baltic (ảnh: NI)
Hôm 17.5, chính phủ Thụy Điển cũng xác nhận nguyện vọng gia nhập NATO. Nếu Phần Lan và Thụy Điển được kết nạp, Nga sẽ bị bao quanh bởi các nước NATO ở biển Baltic và Bắc Cực.
Năm 1948, Liên Xô đã ký thỏa thuận hữu nghị, hợp tác và tương trợ với Phần Lan. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan có xu hướng ngả về phương Tây và đẩy mạnh hoạt động hợp tác với NATO (dù không gia nhập khối).
Nếu trở thành thành viên NATO, Phần Lan sẽ chính thức xóa bỏ lập trường trung lập mà nước này đã theo đuổi hàng thập kỷ. Với chính sách trung lập, Phần Lan được đánh giá là điểm tựa tin cậy của cộng đồng quốc tế về đối thoại đa phương, giải trừ vũ khí hạt nhân và trung gian hòa giải các cuộc xung đột, theo Euro News.
Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, dù Moscow không có động thái nào thể hiện mình có thể là mối đe dọa với Phần Lan, nhiều người dân quốc gia Bắc Âu vẫn cho rằng gia nhập NATO sẽ giúp họ cảm thấy an toàn. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 75% người dân Phần Lan được hỏi nói rằng họ ủng hộ gia nhập NATO. Tư cách thành viên NATO đồng nghĩa với việc Phần Lan có sự bảo đảm an ninh từ các đồng minh có vũ khí hạt nhân.
Năm 1995, Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và trở thành đối tác của NATO. Nước này đã tham gia nhiều cuộc tập trận và thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo với NATO. Phần Lan cũng đáp ứng được điều kiện chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO. Có thể nói, từ năm 1995, Phần Lan đã ngày một xa rời truyền thống trung lập, RT nhận xét.
Theo lộ trình, chính phủ Phần Lan sẽ họp để đưa ra kiến nghị về việc nộp đơn gia nhập NATO. Kiến nghị này sẽ được gửi tới Quốc hội để thông qua. Nếu các thủ tục này hoàn thành, Phần Lan sẽ chính thức nộp đơn gia nhập NATO.
Quân đội Phần Lan tập trận cùng NATO (ảnh: RT)
Kể từ khi thành lập năm 1949, NATO đã đề cập tới “chính sách mở cửa”, được ghi nhận trong điều 10 của hiệp ước thành lập. Theo đó, NATO áp dụng “chính sách mở cửa” cho các nước muốn trở thành một phần của khối, chủ yếu là những quốc gia ở châu Âu.
“Bất kỳ quốc gia châu Âu nào trên lập trường muốn áp dụng các nguyên tắc của hiệp ước và đóng góp vào an ninh của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương đều có thể trở thành thành viên của liên minh dựa trên lời mời của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương”, trang web của NATO cho hay.
Tuy nhiên, việc gia nhập NATO không hề đơn giản mà phải ứng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn về chính trị, kinh tế và an ninh.
Theo trang web của NATO, có nhiều điều kiện tiên quyết đối với một quốc gia muốn trở thành thành viên của khối, bao gồm: Quốc gia đó phải có hệ thống chính trị dân chủ, tiến bộ theo nền kinh tế thị trường, đối xử công bằng với các nhóm thiểu số, cam kết giải quyết xung đột theo con đường hòa bình, có khả năng và sẵn sàng đóng góp vào hoạt động quân sự của khối, lực lượng quân sự nằm dưới sự kiểm soát dân sự vững chắc, là láng giềng tốt và tôn trọng chủ quyền ngoài biên giới, cải tổ để tương thích với hoạt động của NATO.
Sau khi kiểm tra và tự thấy bản thân đã đáp ứng đủ một loạt các yêu cầu trên, quốc gia muốn gia nhập NATO sẽ thực hiện đủ các thủ tục trong nước để đi tới bước nộp đơn gia nhập khối.
Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg (ảnh: CNN)
Dựa trên đơn xin gia nhập, NATO có thể mời quốc gia muốn kết nạp tham gia Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP). Đây là chương trình giúp quốc gia muốn là thành viên NATO nhận được sự tư vấn, trợ giúp của khối để tiến tới gia nhập. Tuy nhiên, việc tham gia MAP không đồng nghĩa với việc một nước chắc chắn là thành viên NATO, theo Dispatch.
NATO cho hay, MAP là chương trình tư vấn, đề xuất cải cách, hỗ trợ “thiết thực và phù hợp” để giúp các nước có nguyện vọng vượt qua các thủ tục gia nhập NATO. Ukraine đã từng mong muốn được tham gia MAP, nhưng bị NATO từ chối. Theo nhiều chuyên gia, một nước như Phần Lan sẽ dễ dàng hoàn thành MAP do có bề dày hợp tác sâu rộng với NATO.
Sau khi hoàn thành chương trình MAP và thực hiện đầy đủ các cải cách mà NATO yêu cầu, quốc gia muốn trở thành thành viên sẽ bắt đầu thủ tục đàm phán để gia nhập NATO.
Các cuộc đàm phán liên tục sẽ diễn ra giữa nước muốn gia nhập với những thành viên của NATO. Đàm phán được tổ chức thành 2 phiên, một phiên giải quyết các vấn đề về an ninh – quốc phòng, phiên còn lại làm việc về vấn đề pháp lý, nguồn lực, đóng góp cho NATO. Việc đóng góp cho NATO dựa trên quy mô kinh tế của quốc gia thành viên. Mỹ hiện là quốc gia đóng góp ngân sách lớn nhất cho NATO (16% chi tiêu của khối).
Phần Lan nhận được sự hoan nghênh mạnh mẽ của giới lãnh đạo NATO, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 16.5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chính thức lên tiếng, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông Erdogan cáo buộc, việc Phần Lan ủng hộ 2 tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là "khủng bố”, là đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân (DHKP/C), khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận.
Nếu muốn quá trình gia nhập NATO suôn sẻ, Phần Lan chắc chắn phải giải quyết được những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi kết thúc bước đàm phán, NATO sẽ soạn thảo một nghị định thư nhằm cho phép một quốc gia trở thành thành viên mới của khối. Nghị định thư này coi như một bản sửa đổi trong hiệp ước thành lập NATO về danh sách thành viên.
Nghị định thư này sẽ được gửi tới tất cả các thành viên của NATO. Mỗi thành viên có quyền phê duyệt hoặc không phê duyệt nghị định thư. Hiện tại, NATO có 30 nước thành viên.
“Nghị định thư là văn bản có hiệu lực sửa đổi hoặc bổ sung hiệp ước. Nó cần được các nước thành viên của liên minh ký phê duyệt. Điều này cho phép liên minh mời một nước gia nhập và trở thành thành viên không thể tách rời”, trang web của NATO mô tả.
Quy trình phê duyệt nghị định thư phụ thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia thành viên NATO. Ở Mỹ, việc phê chuẩn nghị định thư của NATO yêu cầu 2/3 phiếu thuận tại Thượng viện và chữ ký của tổng thống.
Với sự ủng hộ và vận động hành lang của cả 4 trụ cột NATO là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, và nếu giải quyết được khúc mắc với Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan gần như chắc chắn không phải chờ lâu ở bước này.
Sau khi nghị định thư được ký kết đầy đủ, Tổng Thư ký NATO (hiện tại do ông Jens Stoltenberg đảm nhiệm) sẽ gửi thư mời gia nhập đến quốc gia có nguyện vọng gia nhập khối. Đây là bước cuối cùng để một nước gia nhập NATO.
Bắc Macedonia là quốc gia gần đây nhất gia nhập NATO (tháng 3.2020) sau khi bắt đầu tiến trình đàm phán vào tháng 7.2018. Trước đó, Montenegro bắt đầu tham gia MAP vào tháng 12.2009 và gia nhập NATO vào tháng 6.2017.
Xung đột Nga – Ukraine là một trong số nguyên nhân khiến Phần Lan ngày càng quyết tâm gia nhập NATO (ảnh: CNN)
Một số nhà ngoại giao NATO cho rằng, nếu quyết định gia nhập NATO, Phần Lan có thể mất khoảng 1 năm để hoàn thành tất cả thủ tục. Đây là thời gian nhanh kỷ lục với một nước muốn trở thành thành viên của NATO.
Trong quá trình chuyển tiếp từ ứng viên đến thành viên chính thức, Phần Lan được cho là sẽ cần một số biện pháp bảo đảm an ninh từ NATO.
Hôm 28.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này cam kết hỗ trợ an ninh cho Phần Lan trong suốt quá trình làm thủ tục. Ông Stoltenberg cũng khẳng định quá trình gia nhập của Phần Lan sẽ diễn ra nhanh chóng.
Hôm 5.5, Nhà Trắng cho biết, Mỹ tự tin có thể giúp Phần Lan giải quyết bất kỳ lo ngại an ninh nào trong quá trình nước này thực hiện các thủ tục gia nhập NATO.
Tuy nhiên, cả Mỹ và NATO đều nhấn mạnh, quyết định cuối cùng về việc có gia nhập NATO hay không thuộc về Phần Lan.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO chưa phải mối đe dọa ngay lập tức đối với Nga, ông Putin phát biểu.