Thư từ Paris: Mùa hè bất thường ở châu Âu
Cháy rừng xảy ra khắp nơi quanh Địa Trung Hải với quy mô hơn hẳn mọi năm, không loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Algeria, Tunisia và các nước Nam Tư cũ
Serge Biry, chủ một cơ sở cho thuê thuyền kayak ở vịnh biển Morbihan, vùng Bretagne (Tây Bắc nước Pháp), nói với tôi rằng suốt 8 năm về đây hành nghề, chưa có mùa hè nào ông phải chứng kiến thời tiết lạnh lẽo, mưa gió vào giữa tháng 8 như vầy.
Trong khi đó, tỉnh Var dưới miền Nam xứ lục lăng vừa trải qua một đợt nắng nóng và khô hạn, 2 yếu tố cần để xảy ra một đám cháy rừng. Và điều gì phải đến đã đến. Hơn 7.000 ha đất rừng, ruộng nho đã bị thiêu rụi trong vòng 4 ngày sau lưng thị trấn nghỉ dưỡng lừng danh Saint-Tropez, từng xuất hiện trong cuốn phim năm 1964 với danh hài Louis de Funès. Chưa kể số người bị thương, thiệt hại nhân mạng và hàng chục ngàn người bị buộc di tản khẩn cấp.
Thống kê cho biết 90% số vụ cháy rừng tại Pháp là do con người gây ra, vô tình hay có chủ ý. Lý do trực tiếp dẫn đến trận lửa lần này, lớn nhất từ 20 năm trở lại đây, vẫn đang trong vòng điều tra. Tuy thế, Tổng thống Emmanuel Macron không ngần ngại nối kết với một nguyên nhân sâu xa hơn: hiện tượng ấm nóng toàn cầu.
7.000 ha đất rừng, ruộng nho bị thiêu rụi trong vòng 4 ngày giữa tháng 8 sau lưng thị trấn nghỉ dưỡng lừng danh Saint-Tropez ở miền Nam nước Pháp. Ảnh: BỘ NỘI VỤ PHÁP
Pháp không hề là biệt lệ. Mới 2 tuần trước, Pháp gửi 80 nhân viên cứu hỏa cùng 3 máy bay Canadair sang yểm trợ Hy Lạp chống lại chuỗi cháy rừng liên hoàn trên đảo Eubée và đây lại là hậu quả của một đợt nóng khác, tồi tệ nhất địa phương này 30 năm qua.
Cháy rừng xảy ra khắp nơi quanh Địa Trung Hải từ đầu hè đến giờ với quy mô hơn hẳn mọi năm, không loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Algeria, Tunisia và các nước Nam Tư cũ. Riêng cả châu Âu, diện tích rừng bị thiêu rụi mùa hè năm 2021 gấp 2,34 lần trung bình giai đoạn 2008-2020.
Xa hơn, từ giữa tháng 7, ngọn lửa đã tàn phá những diện tích kỷ lục ở miền Tây Canada, ở California và đốt thành tro bụi hơn 16 triệu ha rừng trên vùng nổi tiếng lạnh giá Siberia, Karelia hay Yakutia của nước Nga. Mùa hè nước Úc còn ở phía trước.
Hiệp định Khí hậu Paris 2015 (COP21) đặt ra mục tiêu cố gắng giữ cho nhiệt độ trung bình trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thế nhưng, bản phúc trình mới đây của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kết luận mục tiêu đó sẽ bị phá vỡ trong vài năm sắp tới.
Nghe thoáng qua, có cảm tưởng chênh lệch 1,5 độ C không phải là chuyện gì ghê gớm. Ôi dào, 25 hay 26,5 độ C thì cũng thế thôi! Nắm sơ qua kiến thức xác suất sẽ thấy sự tình phức tạp hơn đôi chút. Nhiệt độ trong suốt 365 ngày trên khắp bề mặt địa cầu không tăng một cách đồng đều. Thay vào đó, bề mặt đại dương tăng ít hơn và khu vực lục địa tăng nhiều hơn mức trung bình chung. Thí dụ, nhiệt độ ở vùng Yakutia miền Viễn Đông Nga tăng 3 độ C so với đầu thế kỷ XX, trong lúc mức trung bình hoàn cầu chỉ tăng 1 độ C cùng khoảng thời gian đó. Đồng thời, bên cạnh những ngày thời tiết ôn hòa, tần suất xảy ra những đợt nóng hung tợn sẽ dày đặc hơn. Chu trình con gà - quả trứng cứ thế xoay vòng: nóng cực độ => tăng xác suất cháy rừng => tăng mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính => ấm nóng toàn cầu.
Biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân dẫn đến những đợt lạnh bất thường, lụt lội, bão lũ... Một giải pháp căn cơ không thể diễn ra cục bộ cho nên các giới hữu quan đều đang nhìn về hội nghị COP26 sẽ tổ chức ở Glasgow (Scotland) vào thượng tuần tháng 11 tới đây. Chính các nước nghèo, thiếu phương tiện, thiếu nhân lực, hạ tầng y tế và an sinh xã hội còn non yếu sẽ là những nước phải gánh chịu hậu quả trước tiên của biến đổi khí hậu.
Một con số tôi chỉ mới biết qua theo dõi thời sự mấy ngày vừa rồi: 80% của hơn 250.000 nhân viên cứu hỏa/cứu hộ của Pháp là tình nguyện viên; 20% còn lại, đóng vai trò xương sống của hệ thống, là nhân viên chuyên nghiệp (15%) và quân nhân (5%). Khuyến khích lực lượng tình nguyện là chính sách chung của tối thiểu 3 chính quyền gần đây, cả cánh tả lẫn hữu, từ Sarkozy, Hollande đến Macron.
Cần nhấn mạnh, tình nguyện không phải là ô hợp. Trái lại, họ phải chịu sự huấn luyện nghiêm ngặt ban đầu và thường kỳ. Mỗi khi đồng ý tham gia một nhiệm vụ, họ được nhận thù lao theo số giờ làm việc tùy vào cấp bậc, gần xấp xỉ mức lương tối thiểu. Muốn lên cấp sĩ quan, cần có bằng cấp chuyên môn ngoài đời tương ứng, chẳng hạn trung úy phải là cử nhân và đại úy trở lên phải tốt nghiệp cao học.
Mô hình này cho phép Pháp có sự linh hoạt nhất định trong việc điều động nhân lực, giúp ứng phó nhanh khi xảy ra khủng hoảng. Có lẽ nhờ đó mà tỉ lệ diện tích rừng bị cháy hằng năm so với diện tích lãnh thổ của Pháp thấp hơn hẳn các nước có điều kiện khí hậu và mật độ dân cư tương đồng. Chừng mực nào đó, chính sách thúc đẩy tình nguyện viên cũng góp phần xây dựng tinh thần vì cộng đồng và phù hợp với xu hướng chú trọng rèn luyện thể thao trong dân chúng, nhất là lứa thanh niên và trung niên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đợt lũ lụt tàn phá nhiều khu vực của châu Âu là một thảm hoạ “kinh hoàng”, khi số...
Nguồn: [Link nguồn]