Thử tên lửa "xịt": Bước đi đầy toan tính của Triều Tiên
5 lần phóng tên lửa tầm trung Musudan gần đây đều thất bại, nhưng tất cả vẫn nằm trong tính toán của Bình Nhưỡng nhằm đạt được mục tiêu xa hơn với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan bắn từ dưới biển.
Ngày 22.6, Triều Tiên liên tiếp bắn hai quả tên lửa tầm trung được cho là Musudan. Đây là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000km, đủ sức vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ Nhật Bản và căn cứ quân sự đảo Guam của Mỹ.
Với cự li này, Hàn Quốc cũng hoàn toàn nằm trong vùng “phủ sóng” của Musudan. Tuy nhiên, Triều Tiên chỉ cần lựa chọn những tên lửa tầm ngắn 200km là đủ cày nát Seoul nếu như chiến tranh hai miền xảy ra.
Tên lửa Musudan tầm bắn 3.000km, vươn tới mọi địa điểm ở Nhật.
Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa Musudan từ giữa tháng 4, đánh dấu ngày kỉ niệm sinh nhật cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và chuẩn bị cho đại hội đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào đầu tháng 5. Sau 4 lần thử, Bình Nhưỡng không thành công một quả nào. Dù vậy sáng ngày 23.6, Triều Tiên khẳng định lần thử thứ 5 đã thành công. Hàn Quốc thông tin tên lửa Musudan khai hỏa từ phía đông thành phố biển Wonsan.
Dù tầm bắn của tên lửa Musudan ước đạt 3.000km, nhưng loại tên lửa nhiên liệu lỏng này thực tế chỉ bay xa nhất được 400km, theo Yonhap. Nếu đạt được tầm bay 1.000km, Musudan sẽ là mối họa tiềm tàng khi bay vào vùng ngoài khí quyển trái đất.
Tên lửa đạn đạo khi tiến vào vùng ngoài khí quyển sẽ sử dụng đường đạn dẫn đường bởi trọng lực và lực cản của gió. Nếu thành công, đây là bước tiến rất lớn khẳng định tuyên bố trước đây của Triều Tiên “đã thử nghiệm thành công công nghệ quay lại khí quyển”.
Tên lửa liên lục địa đời mới KN-14, tầm bắn 13.000km trong lễ duyệt binh ở quảng trường Kim Nhật Thành.
Chưa kể, nếu gắn thêm đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu tấn công mục tiêu.
Mới đây, lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố nước này đã đạt được thành công thực sự với công nghệ tên lửa đạn đạo và đủ sức “tấn công tổng lực căn cứ Thái Bình Dương của Mỹ”. Tuyên bố này nhằm vào hệ thống tiền đồn của Mỹ ở đảo Guam và các vùng phụ cận.
Việc thử nghiệm 5 lần phóng tên lửa, dù thất bại cũng mang lại rất nhiều bài học kinh nghiệm cho Bình Nhưỡng. Chuyên gia quân sự phương Tây tin rằng việc Triều Tiên thực sự làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo chỉ còn khoảng 5 năm nữa.
Kim Jong-un tuyên bố nước này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa.
Những lần phóng thất bại sẽ giúp Triều Tiên có được cơ sở và thông số cần thiết để điều chỉnh tên lửa. Ngoài ra, thử nghiệm Musudan giúp Triều Tiên có được nền tảng vững vàng cho những tên lửa liên lục địa như KN-08 hay loại mới nhất KN-14. Hai tên lửa này đều chưa được bắn thử nhưng ước đạt phạm vi tấn công 13.000km, đủ sức vươn tới mọi vị trí ở Mỹ.
Jeffrey Lewis, một chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung tâm James Martin cho biết “nếu chúng ta không can thiệp, Triều Tiên sẽ chẳng mấy chốc thử thành công tên lửa Musudan”.