Điều ít biết về quá khứ của thủ lĩnh phe đối lập Syria trước khi tham gia thánh chiến
Hiện chưa rõ thủ lĩnh phe nổi dậy Syria, người sắp lãnh đạo quốc gia sẽ là Ahmed al-Sharaa – một cư dân Syria bình thường hay Abu Mohammed al-Jolani – một chiến binh thánh chiến từng có mối quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, báo Anh Guardian phân tích.
Ahmed al-Sharaa hay Abu Mohammed al-Jolani phát biểu trước đám đông tại nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở thủ đô Damascus, Syria hôm 8/12. Ảnh: AFP.
Sáng ngày 8/12, một người đàn ông 42 tuổi có râu mặc quân phục màu xanh lá cây đơn giản đã bước vào nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus và phát biểu trước đám đông, đọc thông điệp chiến thắng.
Trong khung cảnh là những những đồ trang trí lấp lánh của nhà thờ Hồi giáo có niên đại hàng ngàn năm, thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã mô tả sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Asad và coi đây là chiến thắng của toàn thể quốc gia. Thủ lĩnh HTS kêu gọi mọi người đoàn kết và cùng cầu nguyện.
"Tôi đã rời khỏi vùng đất này hơn 20 năm trước và trái tim tôi khao khát khoảnh khắc này", ông nói. "Hãy yên lặng, những người anh em của tôi và tưởng nhớ đến Chúa toàn năng".
Hai danh tính với quá khứ khác biệt
Trong phần lớn khoảng thời gian hơn 2 thập kỷ, người sắp lãnh đạo Syria trong giai đoạn mới không sử dụng tên thật. Đó là cái tên Ahmed al-Sharaa – người lớn lên ở thủ đô Damascus, từng theo học ngành y.
Gia đình al-Sharaa đến từ cao nguyên Golan nhưng phải sơ tán sau khi Israel kiểm soát khu vực này trong cuộc chiến năm 1967. Al-Sharaa sinh ra ở Ả Rập Saudi vào năm 1982, cùng gia đình quay trở lại Syria vào năm 1989 và sống ở thủ đô Damascus dưới sự cai trị của gia tộc Assad.
Theo một số nguồn tin, al-Sharaa được biết đến từ nhỏ là một cậu bé ham học nhưng không có gì nổi bật và thường tránh các đám đông. Thời niên thiếu, al-Sharaa được mô tả là "tinh quái" nhưng tỏ ra là người hướng nội. Al-Sharaa từng có mối tình lãng mạn với một cô gái Syria người Alawite nhưng bị cả hai gia đình ngăn cấm.
Đến tuổi trưởng thành, al-Sharaa theo học ngành y nhưng sau đó biến mất đột ngột. Năm 2003, khi 21 tuổi, al-Sharaa xuất hiện ở Iraq với cái tên mới là Abu Mohammed al-Jolani – một bí danh được đặt theo quy ước của các chiến binh thánh chiến. Cái tên gợi nhớ vinh quang lịch sử của người Hồi giáo cũng như giúp che giấu danh tính thật.
Trước sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq, Jolani đã chiến đấu cùng các lực lượng thánh chiến trong giai đoạn 2003 – 2006. Sau khi bị quân đội Mỹ bắt giữ, Jolani bị giam trong 5 năm rồi được trả tự do. Sau một khoảng thời gian ngắn trở lại Iraq, Jolani được lệnh sang Syria thành lập tổ chức thánh chiến chống chính phủ mang tên Mặt trận Al-Nusra.
Đó là giai đoạn mà Jolani tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Năm 2017, Jolani muốn tẩy sạch mối liên hệ với khủng bố, đã lập ra tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Kể từ đó, Jolani cai trị 2 triệu người Syria sinh sống ở tỉnh Idlib.
Trong những năm đầu, Jolani chủ trương áp đặt các quy tắc Hồi giáo hà khắc nhưng nay đã dần trở nên ôn hòa hơn. Tháng trước, Jolani đã lãnh đạo HTS và các phe phái nổi dậy khác, tiến vào thủ đô Damascus chỉ sau 11 ngày nổ súng.
Theo Guardian, câu hỏi hiện tại là người lãnh đạo Syria sắp tới sẽ sử dụng danh tính nào. Một Jolani bị Mỹ, Anh và phương Tây truy nã với số tiền thưởng 10 triệu USD hay Sharaa, một người đàn ông Syria bình thường có thể khôi phục quan hệ với phương Tây?
Những thách thức phía trước
Có rất ít sự đồng thuận về câu trả lời. Nhiều nhà phân tích cho rằng, thủ lĩnh HTS có thể đã quay trở lại sử dụng tên thật kể từ khi xuất hiện ở thủ đô Damascus. Dấu hiệu này cho thấy sự chuyển đổi từ chủ nghĩa thánh chiến cực đoan sang một điều gì đó ôn hòa hơn là có thật.
Tại Aleppo, thành phố đầu tiên bị liên minh nổi dậy chiếm giữ vào cuối tháng trước, HTS đã ân xá cho những binh lính của chính quyền cũ, cử người đi từng nhà để trấn an những người theo đạo Thiên chúa rằng họ sẽ không bị tổn hại.
Bản thân Sharaa được cho là đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo tôn giáo khác ở Syria, qua đó phe nổi dậy có thể kiểm soát nhiều khu vực mà không sử dụng vũ lực.
“Theo những gì chúng ta thấy, Sharaa thực sự đã thay đổi. Ông ta đã trải qua một cuộc hành trình ở Idlib và đã phát triển một lối tư duy thực dụng và thực tế hơn”, Shiraz Maher, chuyên gia về Hồi giáo tại Đại học King’s College ở London (Anh), nhận định.
Đây cũng không phải là một sự thay đổi đột ngột. Sharaa, ngay cả khi còn sử dụng cái tên Jolani, cũng đã bắt đầu quay lưng với khủng bố al-Qaeda và IS.
Mặt khác, Sharaa gần đây vẫn nói rằng mình không hối hận khi ăn mừng vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/20011 của al-Qaeda nhằm vào Mỹ. Có khả năng Sharaa chỉ tạm thời gác lại tham vọng toàn cầu chống lại phương Tây và đặc biệt là sự chiếm đóng của Israel.
Một số chuyên gia nhận định, bí danh Jolani thực chất là để Sharaa ghi nhớ giai đoạn Israel chiếm đóng cao nguyên Golan của Syria và hướng tới giải pháp giành lại vùng lãnh thổ này.
Nhưng trước mắt, Sharaa tập trung vào các vấn đề nội tại của quốc gia, phúc lợi cho người dân Syria và xây dựng lại đất nước.
Các nhà phân tích khác tin rằng, một số lãnh đạo cấp cao của HTS và các chiến binh kỳ cựu vẫn là những người mang “tư tưởng thánh chiến sâu trong thâm tâm”.
Một số nhà bình luận tin rằng, bất kỳ sự ôn hòa mới nào có thể chỉ là nhằm che giấu tham vọng đằng sau. Họ cảnh báo phương Tây và các cường quốc khu vực đều không nên mất cảnh giác.
Hussain Abdul-Hussain, một chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Washington, nhận ra Sharaa vẫn sử dụng “lá cờ thánh chiến” bên cạnh lá cờ của phe nổi dậy Syria, trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước với đài CNN.
“Cho đến nay, Sharaa vẫn đang nói những điều đúng đắn… và tôi thực sự hi vọng Sharaa chính là người như những gì ông ta nói”, chuyên gia Abdul-Hussain nói.
“Nhưng thực tế là Syria vẫn đang là mớ hỗn độn. Không có nền kinh tế, không có nguồn thu, tình trạng nghèo đói lan tràn và khả năng hàng triệu người tị nạn sắp quay về nước. Hiện tại ai cũng vui vẻ nhưng mọi người sẽ nhận ra thách thức phía trước. Tôi lo ngại khi đó, Sharaa sẽ quay trở lại với hệ tư tưởng cực đoan như trước đây”, chuyên gia Abdul-Hussain nói thêm.
Thực tế là Israel đang mở rộng khu vực chiếm đóng ở Syria vượt khỏi phạm vi cao nguyên Golan còn Mỹ thông qua lực lượng người Kurd, vẫn đang kiểm soát các mỏ dầu – vốn là nguồn thu chính của quốc gia.
Bản thân Sharaa cũng khẳng định mọi người không nên đánh giá người khác qua lời nói mà bằng hành động. “Đừng phán xét bằng lời nói, mà bằng hành động”, Sharaa trả lời phỏng vấn trên đài CNN.
Nhân lúc Syria chưa ổn định hoàn toàn, quân đội Israel đã tiến vào lãnh thổ và kiểm soát thêm nhiều làng mạc, thị trấn và các cứ điểm chiến lược.
Nguồn: [Link nguồn]