Thủ lĩnh mắt chột của Taliban tuyên bố tái áp dụng các hình phạt tàn khốc

Một trong những thủ lĩnh sáng lập Taliban cho biết, tổ chức này sẽ tái áp dụng các hình thức hành quyết và chặt tay với tội phạm và đang cân nhắc việc có thực hiện các hình phạt này công khai hay không.

Thủ lĩnh mắt chột Mullah Nooruddin Turabi của Taliban. Ảnh: AP

Thủ lĩnh mắt chột Mullah Nooruddin Turabi của Taliban. Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn của hãng AP (Mỹ), Mullah Nooruddin Turabi, một trong số các thủ lĩnh sáng lập Taliban, phản bác những sự phẫn nộ về hình phạt hành quyết của Taliban trước đây - thường diễn ra công khai ở một sân vận động. Turabi cũng cảnh báo thế giới rằng không nên can thiệp vào công việc của Taliban, tổ chức đang nắm quyền kiểm soát Afghanistan. 

"Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt công khai ở sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ phán xét bất kỳ điều gì về các hình phạt và luật pháp của họ", Turabi chia sẻ trên AP từ thủ đô Kabul, Afghanistan. "Không ai có quyền quy định luật của chúng tôi phải theo ý họ. Chúng tôi tuân theo đạo Hồi và sẽ đưa ra luật dựa trên kinh Koran". 

Kể từ khi Taliban kiểm soát Kabul hôm 15/8 và phần lớn lãnh thổ Afghanistan, người dân địa phương và thế giới đang dõi theo các hoạt động của Taliban, để xem liệu tổ chức này có lặp lại chế độ cai trị hà khắc như giai đoạn (1996-2001) hay không. 

Theo AP, bình luận của Turabi phần nào chỉ ra rằng, các thủ lĩnh của Taliban vẫn có tính bảo thủ sâu sắc, ngay cả khi họ chấp nhận những đổi mới về công nghệ như sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh, quay video...

Turabi, năm nay đã ngoài 60 tuổi, từng là Bộ trưởng Tư pháp và người đứng đầu cái gọi là Bộ tuyên truyền đạo đức và Phòng chống tội phạm (hay Cảnh sát Tôn giáo) khi Taliban cai trị Afghanistan trong giai đoạn (1996-2001). 

Thời điểm đó, thế giới lên án các hình phạt hà khắc của Taliban, thường diễn ra công khai ở các sân vận động ở Kabul hoặc trong khuôn viên nhà thờ Eid Gah, với sự chứng kiến của hàng trăm nam giới Afghanistan.

Việc hành quyết tội phạm giết người thường bằng một phát đạn vào đầu, do gia đình nạn nhân thực hiện. Gia đình nạn nhân có quyền tha cho kẻ giết người nếu nhận được "khoản tiền máu" bồi thường. 

Với những tên trộm bị kết án, hình phạt là chặt một bàn tay. Với những kẻ cướp, hình phạt là chặt một bàn tay và một bàn chân. 

Các cuộc xét xử và kết án thời kỳ đó hiếm khi được công khai. Cơ quan tư pháp nghiêng về phán quyết của các giáo sĩ Hồi giáo - những người  mà kiến thức về luật pháp chỉ giới hạn trong các lệnh cấm tôn giáo. 

Ở lần nắm quyền mới này của Taliban, Turabi cho biết, các thẩm phán, gồm cả phụ nữ, sẽ xét xử các vụ án nhưng nền tảng của pháp luật Afghanistan vẫn sẽ dựa trên kinh Koran. Turabi cho hay, các hình phạt tương tự hành quyết và chặt tay sẽ được tái áp dụng. 

"Hình phạt chặt tay là cần thiết để đảm bảo an ninh", Turabi nói, nhấn mạnh rằng các hình phạt này có tác dụng răn đe mạnh. Thủ lĩnh của Taliban còn cho biết, tổ chức này đang cân nhắc có nên thi hành án phạt ở nơi công cộng hay không. 

Theo AP, Turabi bị mất một mắt và một chân khi tham gia phong trào chống đối Liên Xô những năm 1980. Hiện tại, Turabi đang phụ trách quản lý nhà tù trong bộ máy chính quyền mới ở Afghanistan. Thủ lĩnh ngoài 60 của Taliban nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Ở giai đoạn cai trị trước đây của Taliban, Turabi là một trong những thủ lĩnh tàn bạo nhất của tổ chức này. Khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan năm 1996, Turabi đã hét vào mặt một nữ phóng viên, yêu cầu người này rời khỏi phòng toàn đàn ông. Sau đó, thủ lĩnh này còn tát một cú trời giáng vào một người đàn ông dám phản đối quyết định đó.  

Khi các hoạt động thể thao bị cấm, các "tay chân" của Turabi đã bắt đàn ông Afghanistan phải đến nhà thờ Hồi giáo cầu nguyện 5 lần trong ngày.  

Ở cuộc phỏng vấn với hãng AP trong tuần này, Turabi đã nói chuyện với một nữ phóng viên. "Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều so với trước đây", thủ lĩnh mắt chột của Taliban nói. 

Theo Turabi, Taliban giờ đã cho phép sử dụng ti vi, điện thoại di động, chụp ảnh, quay video "vì đây là nhu cầu của người dân và chúng tôi rất nghiêm túc tôn trọng điều đó". Thủ lĩnh của Taliban cho rằng, tổ chức này đang coi phương tiện truyền thông như một cách để truyền tải thông điệp. 

"Chúng tôi giờ đã biết cách tiếp cận hàng triệu người thay vì hàng trăm như trước đây", Turabi nói, nhấn mạnh nếu các hình phạt được tổ chức công khai, người dân có thể chụp ảnh, quay video để chia sẻ, giúp ích cho việc răn đe. 

Turabi cho rằng, sự cai trị của Taliban giai đoạn trước đã thành công mang lại ổn định cho Afghanistan. Ảnh: EPA-EFE

Turabi cho rằng, sự cai trị của Taliban giai đoạn trước đã thành công mang lại ổn định cho Afghanistan. Ảnh: EPA-EFE

Thủ lĩnh mắt chột của Taliban bác bỏ những chỉ trích về sự cai trị của tổ chức này trong quá khứ, cho rằng thời kỳ đó thành công trong việc mang lại sự ổn định. "Chúng tôi đã đảm bảo được an ninh ở mọi ngóc ngách của đất nước khi đó", Turabi nói về Afghanistan những năm 1990. 

Ngay cả khi tỏ ra sợ hãi trước việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, nhiều người dân địa phương thừa nhận rằng, thủ đô Kabul đã trở nên an toàn hơn trong tháng vừa qua. Trước khi Taliban tới, các băng trộm đã hoành hành ở khắp các con phố của Kabul. Tội phạm cũng gia tăng khiến nhiều người không dám ra đường khi trời tối. 

"Việc bêu riếu người khác nơi công cộng không hay ho gì nhưng trong trường hợp này, nó giúp răn đe những kẻ có ý định phạm tội", Amaan, chủ một cửa hàng ở Kabul, nói. 

Vừa được lên làm quyền Phó Thủ tướng, thủ lĩnh cấp cao bị Taliban bắn chết?

Thông tin về cái chết của thủ lĩnh cấp cao Taliban, Mullah Abdul Baradar, bắt đầu lan truyền từ tuần trước. Thời điểm đó,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN