Thủ khoa là những người ít thành công nhất?
Điểm số cao không quyết định sự nghiệp sau này.
Thủ khoa thường là người đại diện khóa học phát biểu trong ngày bế giảng
Cuốn Barking up the Wrong Tree mới xuất bản của nhà nghiên cứu Eric Barker dẫn chiếu một khảo sát năm 1995 do Karen Arnold từ ĐH Boston (Mỹ) thực hiện. Theo đó, thủ khoa là những đối tượng ít gặt hái được thành công nhất.
Arnold đã theo dõi 81 thủ khoa tốt nghiệp suốt 14 năm. Kết quả là họ đều có cuộc sống ổn định. 90% trở thành chuyên gia trong ngành và 40% tiến xa hơn trong con đường học thuật, nhưng đó là tất cả những gì họ đạt được. Không ai có thành tựu gì đáng chú ý hay đột phá như số đông thường kỳ vọng.
"Họ đều có ý chí quyết tâm rất lớn khi còn ở trong trường, nhưng dường như trượt dốc kể từ sau khi tốt nghiệp", Barker nhận xét. Theo ông nguyên nhân rất dễ hiểu. Để đạt thành tích cao, thì những sinh viên này không có ý kiến hay đòi hỏi thay đổi hệ thống giáo dục. Thay vào đó, họ cố gắng thích nghi và đáp ứng yêu cầu của nó để đạt được lợi ích lớn nhất, đó là thành tích. Họ rất giỏi trong việc tuân thủ luật lệ và chăm chỉ, nhưng thay vào đó họ cứng nhắc và bảo thủ. Đây là những điểm yếu lớn khi làm việc.
Ngoài ra, bản thân trường học thích những sinh viên giỏi toàn diện. Những người chỉ xuất sắc một chuyên ngành bị coi là tầm thường và lười biếng, không nghiêm túc, trong khi chính cách lựa chọn một lĩnh vực để theo đuổi đó mới giúp họ thành công trong đời thực, dù không có điểm trung bình cao chót vót. Họ cũng thường xuyên bỏ qua các luật lệ, thích thử nghiệm những thứ mới mẻ và đương nhiên trải qua nhiều thất bại. Đây là những điều khiến các giáo viên ác cảm.
Barker gợi ý rằng những người trong ngành giáo dục nên có cách đánh giá công bằng hơn để khuyến khích các sinh viên này phát huy hết khả năng. Điều này cũng giúp cải thiện hệ thống giáo dục.
Ông cũng nhấn mạnh nghiên cứu trên không có nghĩa là các thủ khoa không hạnh phúc. Đa số họ khá hài lòng với cuộc sống. Còn những học sinh sinh viên chưa tốt nghiệp không nên lo lắng, vì điểm số thực sự không đóng vai trò quyết định thành công nghề nghiệp.
Năm 2005, ông chủ Facebook từng thề sẽ không bao giờ quay trở lại đại học Harvard.