Thu được xe tăng Nga, Ukraine cũng không thể sử dụng lâu dài?
Theo chuyên gia, các xe tăng Nga bị thu giữ có thể được bổ sung vào lực lượng của Ukraine, nhưng chúng không thể sử dụng mãi nếu xung đột kéo dài.
Quân Ukraine khai hỏa một xe tăng Nga ngày 22/11/2022. Ảnh: AP
Business Insider ngày 22/3 đưa tin, một câu hỏi mà quân đội Ukraine phải giải đáp lúc này là số xe tăng Nga họ thu được sẽ ở trạng thái chiến đấu trong bao lâu.
Số xe tăng Nga bị thu giữ muốn hoạt động lâu dài cần một loạt các bộ phận thay thế từ các nhà máy Nga. Điều này nằm ngoài khả năng của quân đội Ukraine.
"Họ không có các bộ phận thay thế để duy trì hoạt động của số xe tăng Nga này", Michael Kofman, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại tổ chức tư vấn quốc phòng CNA của Mỹ, nói. "Vì vậy, trên lý thuyết, Ukraine có thể thu giữ nhiều xe tăng Nga, nhưng thực tế thì Kiev không có động cơ, hộp số và các bộ phận khác để thay thế trong trường hợp hỏng hóc".
Dù Ukraine đang thiếu xe tăng, ông Kofman cho rằng Kiev còn cần đạn dược và các phụ tùng thay thế hơn. "Đầu tiên và quan trọng nhất là đạn pháo và nòng pháo thay thế. Ngoài ra, họ còn cần đạn phòng không, tên lửa và các hệ thống phòng không", vị chuyên gia của CNA nói.
Ông Kofman tin rằng Ukraine không cần nhiều xe tăng như họ cần xe bọc thép chở bộ binh tham chiến. "Ukraine có những lữ đoàn bộ binh cơ giới lớn nhưng để có thể cơ giới hóa, họ cần được chở trên các phương tiện như xe bọc thép. Nếu không, quân đội Ukraine sẽ không thể cơ động", Kofman nói trong một sự kiện.
Theo chuyên gia này, một lượng lớn bộ binh bất động của Ukraine "có thể hiệu quả với chiến lược phòng thủ chiều sâu và đủ để giữ Bakhmut, nhưng không hiệu quả nếu muốn tấn công".
Ông Kofman nhấn mạnh, Ukraine vẫn cần các xe tăng của phương Tây. Tuy nhiên, nhiều xe tăng của phương Tây cần được sửa chữa để có thể sẵn sàng chiến đấu. Quá trình này có thể mất vài tháng.
Việc tập trung quá nhiều vào xe tăng hay chiến đấu cơ dễ có nguy cơ bỏ qua các yếu tố quan trọng khác, theo ông Kofman. Các cuộc thảo luận về xe tăng hay chiến đấu cơ thường không đề cập đến "những điều quan trọng khác như chất lượng binh sĩ, quá trình đào tạo trong quân đội, hệ thống liên lạc, phân phối thông tin tình báo, thiết bị giám sát...".
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 22/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Nga đang thực hiện "chiến tranh tiêu hao" và phương Tây nên "gồng mình" để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong thời gian dài.
"Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các quốc gia phương Tây khác phải sẵn sàng hỗ trợ vũ khí, đạn dược và phụ tùng thay thế cho Ukraine trong thời gian dài. Kiev sẽ có nhu cầu cao về vũ khí, đạn dược vì đây là một cuộc chiến tiêu hao", Tổng thư ký NATO nói.
Theo Guardian, Ukraine đang sử dụng 4.000 - 7.000 viên đạn pháo mỗi ngày, trong khi Nga sử dụng khoảng 20.000 viên. Đầu tuần này, các nước EU đã chấp thuận cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn, đủ dùng trong 6 tháng.
Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc gửi vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm xung đột kéo dài và khiến nhiều nước có thể bị cuốn vào xung đột.
Nguồn: [Link nguồn]
Báo cáo mới của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đánh giá, Nga đã mất khoảng một nửa số xe tăng tốt nhất trong 1 năm xung đột ở Ukraine và đang chật vật bù vào,...