"Thủ đô thánh chiến" nằm bên nước Pháp
Không chỉ là thiên đường với những kẻ cực đoan, "vùng đất sinh ra bạo lực" cách Paris hơn 3 giờ đi xe hơi này còn là trung tâm buôn bán vũ khí trái phép ở châu Âu. Chỉ cần 500-1000 euro, sau nửa giờ đồng hồ, bạn có thể dễ dàng sở hữu một vũ khí quân sự.
"Pháo đài Hồi giáo" trong lòng nước Bỉ
Ngay sau vụ tấn công hàng loạt đẫm máu ở thủ đô Paris, (Pháp), tối 14.11, cảnh sát Bỉ đã mở chiến dịch truy quét tại khu vực quận Molenbeek St. Jean thuộc thủ đô Brussels (Bỉ) và bắt giữ 5 đối tượng. Một trong những kẻ tấn công được xác định cư trú tại quận Molenbeek, nằm cách Paris hơn 3 giờ đi xe hơi.
Đây không phải lần đầu tiên cái tên Molenbeek được nhắc đến với các cơ quan chống khủng bố châu Âu. Quận "thánh chiến" này đã từng có liên quan đến các vụ đánh bom xe lửa và xe điện ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha hồi tháng 3.2004, khiến 191 người thiệt mạng, vụ sát hại 4 người ở nhà thờ Do Thái tại Brussels tháng 5.2014, vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris (1/2015) hay mới đây nhất là vụ tấn công bất thành trên tàu tốc hành Thalys (8/2015).
Không khó bắt gặp những người dân theo đạo Hồi trên đường phố Molenbeek.
Có khoảng 900.000 dân, với 30% là người Hồi giáo, Molenbeek được báo chí quốc tế ví von là "trung tâm của chủ nghĩa khủng bố và buôn bán vũ khí ở châu Âu", "pháo đài Hồi giáo", "thủ đô thánh chiến" của châu Âu. Trong khi đó, quận trưởng Molenbeek miêu tả đây là "vùng đất sinh ra bạo lực".
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng phải thừa nhận "gần như mọi chuyện đều có liên quan tới Molenbeek" còn Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon tuyên bố truyền hình rằng: "Chính quyền Bỉ đã từng mất quyền kiểm soát ở Molenbeek trong quá khứ" và cần phải "dọn dẹp lại" khu vực này trong thời gian tới.
Theo Giáo sư Benyaich của Viện Itinera, chính vì sự quản lý lỏng lẻo và thiếu kiểm soát đó của chính quyền Bỉ đã biến "Molenbeek trở thành là một trạm dừng nghỉ và trung chuyển cho các thành phần tội phạm và cực đoan tại châu Âu. Đó là nơi mà những kẻ như trên có thể biến mất".
"Những kẻ cực đoan ở Pháp tới Syria chiến đấu và khi quay trở về, chúng tìm đến Molenbeek để được hỗ trợ và kết nối với các mạng lưới khác, từ đó vạch ra những kế hoạch tấn công ở ngay trên đất Bỉ hoặc ở nước ngoài. Đây như là một "căn cứ không quân" dành cho những kẻ thánh chiến", ông Benyaich lý giải.
Đường đi từ Paris đến Molenbeek, nơi được ví như một căn cứ dành cho những kẻ thánh chiến.
Không chỉ là thiên đường với những kẻ cực đoan, Molenbeek còn là trung tâm buôn bán vũ khí trái phép ở châu Âu. "Ở đây, chỉ cần 500-1000 euro, sau nửa giờ đồng hồ, bạn có thể dễ dàng sở hữu một vũ khí quân sự", ông Bilal Benyaich, học giả chuyên nghiên cứu sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Bỉ cho biết.
"Điều này đang biến Brussels dần trở thành một thành phố kiểu Mỹ nơi người ta có thể thoải mái và dễ dàng sở hữu vũ khí sát thương". Loại súng trường Kalashnikov được bọn khủng bố sử dụng tấn công Paris là điển hình cho các phi vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp tại đây.
Sự thất vọng trong giới trẻ Bỉ
Tuy nhiên, quận Molenbeek không phải trường hợp duy nhất ở Bỉ. Hồi đầu năm nay, nước này từng bắt giữ một nhóm cực đoan có tên là sharia4belgium, chuyên sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ lính sang chiến đấu ở Syria.
Tổ chức thánh chiến này được thành lập tháng 3.2010 với 5 hoạt động gồm truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan thông qua Internet và các mạng xã hội; tuyển dụng thanh niên Hồi giáo thông qua việc truyền đạo trên đường phố; tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan; âm mưu tổ chức bạo động tại Bỉ và tham chiến ở Syria. Sharia4Belgium là tổ chức cung cấp chính các chiến binh Hồi giáo Bỉ sang chiến đấu tại Syria, với khoảng 10% trong số đó được chính nhóm này tuyển mộ.
Nhiều thanh niên Bỉ đang tham gia lực lượng thánh chiến ở Syria và Iraq.
Chính bởi những tổ chức như trên mà hiện nay, Bỉ đang đứng trong top 3 các nước Tây Âu có số lượng công dân tham gia hàng ngũ thánh chiến tại Syria và Iraq đông nhất. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu về Xu hướng Cực đoan hóa ICSR (Centre for the Study of Radicalisation) từ cuối năm 2011 đến hết năm 2013, có khoảng 300 công dân Bỉ đã sang Syria và Iraq chiến đấu.
Lý giải việc công dân Bỉ đặc biệt là giới trẻ nước này sa đà vào chủ nghĩa cực đoan và tìm đến các tổ chức khủng bố, tờ Washington Post cho rằng, giống như các nước châu Âu khác, Bỉ đang gánh chịu hậu quả từ việc thực hiện kém hiệu quả chính sách hòa nhập của người nhập cư.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Bỉ đang lên tới 25%, riêng với giới trẻ là 37% là những con số báo động. Nhiều thanh niên trẻ gốc Ả Rập ở Bỉ đang phải phải đối đầu với tình trạng kỳ thị vì họ thuộc cộng đồng Hồi giáo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, khó tìm việc làm và chỗ đứng trong xã hội. Bởi vậy, tâm lý thất vọng đang là nguyên nhân chính khiến giới trẻ nước này dần trở thành miếng mồi ngon cho các nhà truyền giáo cực đoan có tâm lý thù hận.