Thủ đô Kabul không còn một bóng phụ nữ và những ngờ vực về lời hứa của Taliban
Đối với phụ nữ Afghanistan, tấm burqa che kín thân thể hiện sự mất mát đột ngột và tàn khốc đối với các quyền tự do và bình đẳng mà họ đã đạt được trong hơn 20 năm.
Manizha cho biết các chiến binh Taliban đã ném một quả lựu đạn vào trong nhà của họ, sau khi sát hại mẹ cô. Ảnh: CNN
Tại một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Afghanistan, bà Najia đang ở nhà cùng với các con, khi các chiến binh Taliban gõ cửa.
Con gái của bà Najia - cô Manizha, 25 tuổi kể lại rằng, các chiến binh Taliban đã đến và gõ cửa nhà họ trong 3 ngày liên tiếp để yêu cầu mẹ cô nấu ăn cho tối đa 15 người.
"Mẹ tôi nói với họ rằng 'Tôi nghèo, làm sao tôi có thể nấu ăn cho các người?’”, Manizha thuật lại. "Thế là Taliban bắt đầu đánh bà ấy. Mẹ tôi gục xuống, và họ dùng súng AK47 bắn vào người bà”.
Manizha cho biết cô đã hét lên yêu cầu các tay súng dừng lại. Họ dừng lại một chút, rồi ném lựu đạn vào phòng bên cạnh và bỏ chạy khi ngọn lửa lan rộng. Bà Najia - người mẹ của 4 đứa con đã thiệt mạng ngay tại hiện trường.
Vụ tấn công chết người này như một hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh tương lai của phụ nữ trên khắp Afghanistan sẽ phải đối mặt, sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul. Tên thật của các nhân vật trong sự việc trên đã được CNN thay đổi để bảo vệ danh tính của họ vì lý do an toàn.
Trong 10 ngày, các tay súng Taliban đã chiếm được hàng chục thủ phủ của các tỉnh còn lại. Một số phụ nữ cho biết họ không có thời gian để mua một chiếc burqa để tuân thủ các quy định của Taliban rằng phụ nữ phải che kín mặt và đi cùng với một người thân là nam khi họ ra khỏi nhà.
Đối với phụ nữ Afghanistan, burqa thể hiện sự mất mát đột ngột và tàn khốc đối với các quyền tự do và bình đẳng mà họ đã đạt được trong hơn 20 năm - quyền được làm việc, học tập, di chuyển và thậm chí được sống trong hòa bình – những quyền mà họ lo sợ sẽ không bao giờ lấy lại được.
Sự ngờ vực sâu sắc
Khi Taliban cai trị Afghanistan lần cuối từ năm 1996 đến 2001, họ đã đóng cửa các trường nữ sinh và cấm phụ nữ làm việc.
Các hạn chế mạnh về hành vi, ăn mặc và di chuyển được thiết lập bởi cảnh sát đạo đức từ Bộ Tuyên truyền và Chống vi phạm Đạo đức. Họ lái xe bán tải đi quanh phố, công khai làm nhục và đánh đập những người phụ nữ không tuân thủ quy tắc.
Năm 1996, một phụ nữ ở Kabul bị chặt ngón tay cái chỉ vì sơn móng tay, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Phụ nữ bị tố ngoại tình bị ném đá đến chết. Đồng tính luyến ái bị quy vào tội chết.
Phụ nữ tụ tập bên ngoài văn phòng Liên hợp quốc ở Kabul để tìm kiếm sự giúp đỡ vào tháng 1/ 1999.
Sau khi Mỹ tới vào năm 2001, các hạn chế đối với phụ nữ đã giảm bớt, và ngay cả khi chiến tranh bùng nổ, cam kết của địa phương trong việc cải thiện quyền của phụ nữ, được các nhóm quốc tế và các nhà tài trợ ủng hộ, đã dẫn đến việc tạo ra các biện pháp bảo vệ pháp lý mới.
Năm 2009, luật Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ đã hình sự hóa tội phạm hiếp dâm, cưỡng bức, ép buộc kết hôn. Việc cấm phụ nữ hoặc trẻ em gái làm việc hoặc học tập là bất hợp pháp.
Lần này, sau Taliban hứa hẹn sẽ thành lập một "chính phủ Hồi giáo hòa nhập Afghanistan", mặc dù không rõ sẽ thực hiện theo hình thức nào và ban lãnh đạo mới có bao gồm phụ nữ hay không.
Farzana Kochai, người từng là thành viên của Quốc hội Afghanistan, nói rằng cô ấy không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. "Chưa có thông báo rõ ràng về chính phủ trong tương lai”, cô ấy nói.
Cô ấy cũng lo lắng về quyền tự do trong tương lai của mình với tư cách là một phụ nữ. “Đây là điều khiến tôi quan tâm nhiều hơn”, cô nói. "Mọi phụ nữ đều đang suy nghĩ về điều này. Phụ nữ có được phép làm việc hay không?"
Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen hôm thứ 16/8 cho biết dưới thời Taliban, các cô gái sẽ được phép học tập. Ông nói: “Các trường học sẽ mở cửa. Trẻ em gái và phụ nữ có thể đến trường, với tư cách là giáo viên, học sinh.
Tuy nhiên, những sự việc đã xảy ra sau đó đã vẽ lên một bức tranh khác - và có một sự ngờ vực sâu sắc về những điều Taliban hứa hẹn.
Phụ nữ tại Afghanistan cảm thấy tuyệt vọng. Ảnh: CNN
Vào tháng 7, Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan cho biết tại các khu vực do Taliban kiểm soát, phụ nữ đã được lệnh không tham gia các dịch vụ y tế mà không có nam giám hộ. Truyền hình bị cấm, giáo viên và học sinh được hướng dẫn đeo tua-bin và nuôi râu.
Các học giả tôn giáo, quan chức chính phủ, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và phụ nữ đã trở thành nạn nhân của những vụ giết người có chủ đích, ủy ban cho biết. Một trong số họ là Mina Khairi, một nữ thanh niên 23 tuổi thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe hồi tháng 6. Cha của cô, ông Mohammad Harif Khairi cho biết người phát thanh viên trẻ tuổi đã nhận được những lời đe dọa giết người trong nhiều tháng.
Khi Taliban kiểm soát Afghanistan, những phụ nữ không tuân lệnh đã bị đánh đập. Taliban phủ nhận việc giết Najia, người mẹ ở tỉnh Faryab, nhưng lời nói của họ mâu thuẫn với các nhân chứng và quan chức địa phương.
Burqa tăng giá
Việc Taliban tiếp quản đất nước nhanh chóng đến mức một số phụ nữ nhận thấy mình không có quần áo cần thiết cho sự cai trị của Taliban.
Một phụ nữ, không được nêu tên vì lý do an ninh, cho biết hộ gia đình của cô ấy chỉ có một đến hai chiếc burqa. Bà nói: “Nếu tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn và chúng tôi không có Burqa, chúng tôi phải lấy một tấm khăn trải giường hoặc thứ gì đó để biến nó thành một chiếc khăn quàng cổ lớn.
Giá Burqa tăng gấp 10 lần ở Kabul. Một số đã không kịp đến chợ trước khi nó bị đóng cửa vì các chủ cửa hàng vội vàng về nhà.
Burqas được treo trong một khu chợ ở Kabul vào ngày 31/7.
Hayat, một thanh niên 24 tuổi, quyết định ra ngoài để chứng kiến sự thay đổi dưới thời Taliban. Anh cho biết: “Trên đường không hề có phụ nữ. Phụ nữ chỉ dám ngồi trong xe hơi, không để lộ đầu tóc ra ngoài”.
Ở một khu vực khác của thành phố, các tay súng đang áp đặt những quy định khắc nghiệt. Họ sẵn sàng xô đẩy, hành hung những người phụ nữ không mặc áo khoác burqas và che mặt. Nhiều phụ nữ phải tìm kiếm những loại quần áo mà Taliban yêu cầu họ mặc.
“Đối với tôi, áo burqas luôn là biểu tượng của chế độ nô lệ. Bạn giống như một con chim bị mắc kẹt trong lồng, tôi chưa từng tưởng tượng việc phải mặc như vậy. Nhưng giờ đây, tôi phải làm thế nếu muốn sống sót”, một phụ nữ tên Negin nói.
Pashtana Durrani, người sáng lập và giám đốc điều hành của Learn, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giáo dục và quyền phụ nữ, cho biết cô đã khóc hết nước mắt vì đất nước của mình.
"Tôi đã khóc rất nhiều, không còn nước mắt để khóc nữa. Chúng tôi đã để tang cho sự sụp đổ của Afghanistan. Tôi cảm thấy không được khỏe lắm. Tôi cảm thấy rất tuyệt vọng, "cô nói.
Video: Người Afghanistan tuyệt vọng bám máy bay rời đất nước.
Nguồn: [Link nguồn]
Ít nhất 3 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống Taliban ở TP Jalalabad - Afghanistan ngày 18-8.