Thông tin mới vụ trực thăng chở gia đình chủ tịch tập đoàn nổi tiếng rụng cánh đâm xuống sông ở Mỹ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Một buổi tham quan, ngắm cảnh bằng trực thăng tại Manhattan, thành phố New York (Mỹ) đã kết thúc trong bi kịch vào ngày 10/4, khi chiếc trực thăng rơi xuống sông Hudson gần bờ New Jersey, khiến gia đình hành khách giàu có và phi công thiệt mạng.

Khoảnh khắc chiếc trực thăng rơi tự do xuống sông Hudson, thành phố New York (Mỹ). Nguồn: NBC News.

Thông tin về các nạn nhân

Theo lời các nhân chứng, trực thăng bất ngờ rơi thẳng từ bầu trời rồi đâm đầu xuống nước, các mảnh vỡ bay tứ tung. Trong số nạn nhân có ông Agustin Escobar, giám đốc điều hành công ty Siemens ở Tây Ban Nha, cùng vợ là Merce Camprubi Montal và ba con nhỏ, lần lượt 4, 5 và 11 tuổi. Thị trưởng New York Eric Adams xác nhận đây là một gia đình đến từ Barcelona và vừa đặt chân đến New York cùng ngày để du lịch. 

“Trái tim chúng tôi hướng về gia đình các nạn nhân", ông Adams nói trong cuộc họp báo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi lời chia buồn trên mạng xã hội Truth: “Cầu Chúa phù hộ cho gia đình và người thân của các nạn nhân”. Ông Trump nói Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy đang theo dõi sát sao vụ việc.

Chiếc trực thăng do công ty New York Helicopter Charter vận hành hiện vẫn chìm dưới sông. Thông tin ban đầu cho biết phi công lái trực thăng khoảng 36 tuổi.

CEO công ty, Michael Roth nói với CNN: “Chúng tôi vô cùng đau buồn về sự việc đáng tiếc này”.

Khoảnh khắc rơi tự do

Lực lượng cứu hộ trục vớt mảnh vỡ trực thăng trên sông Hudson ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 10/4. Ảnh: Reuters.

Lực lượng cứu hộ trục vớt mảnh vỡ trực thăng trên sông Hudson ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 10/4. Ảnh: Reuters.

Jessica Tisch, Ủy viên cảnh sát New York, nói vào lúc 15h17 (giờ địa phương), nhiều cuộc gọi khẩn cấp báo trực thăng rơi xuống sông Hudson. Khi lực lượng cứu hộ đến nơi, cảnh sát kéo được 4 người khỏi mặt nước, lính cứu hỏa đưa thêm 2 người lên. Tuy nhiên, 4 người đã tử vong tại chỗ, 2 nạn nhân còn lại – gồm 2 trẻ em – được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez gọi vụ việc là “một thảm kịch không thể tưởng tượng nổi” và gửi lời chia buồn.

Chiếc trực thăng gặp nạn

Dữ liệu từ FlightRadar24 cho biết, chiếc trực thăng là loại Bell 206L-4 LongRanger IV, sản xuất năm 2004 và được cấp chứng chỉ đủ điều kiện bay vào năm 2016, có hiệu lực đến năm 2029.

Theo bà Tisch, trực thăng cất cánh từ bến Lower Manhattan lúc 14h59, bay về phía nam rồi vòng lên phía bắc theo bờ sông Hudson. Đến 15h08, nó tới cầu George Washington, sau đó quay đầu bay về phía nam theo bờ sông bên phía bang New Jersey và mất kiểm soát. Sông Hudson là ranh giới giữa hai bang New York và New Jersey.

Khi rơi xuống, trực thăng bị lật ngược, phần khoang hành khách nổi lên mặt nước. Theo thông tin ban đầu, lời kể của các nhân chứng và dữ liệu thu thập trùng khớp, cho thấy máy bay đã dừng lại giữa không trung trước khi phần cánh và một số bộ phận rơi ra.

Toàn bộ chuyến bay kéo dài khoảng 16 phút. Đường bay của máy bay cho thấy nó từng vòng qua gần Tượng Nữ thần Tự do, rồi bay dọc sông Hudson – một tuyến đường tham quan nổi tiếng.

Thời điểm đó, thời tiết có mây, gió 16-24 km/h, tầm nhìn hơn 10km, nhưng có mưa nhẹ.

Điều tra nguyên nhân

Chi tiết tuyến đường bay ngắm cảnh của trực thăng chở khách và địa điểm gặp nạn. Ảnh: CNN.

Chi tiết tuyến đường bay ngắm cảnh của trực thăng chở khách và địa điểm gặp nạn. Ảnh: CNN.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Theo ông Duffy, trực thăng bay trong vùng “Quy tắc bay đặc biệt” ở New York, nơi không có điều phối không lưu. Tuy nhiên, vài phút trước khi vào vùng này, máy bay vẫn nhận hỗ trợ từ kiểm soát không lưu sân bay LaGuardia.

NTSB cho biết đang cử một nhóm chuyên gia đến hiện trường để điều tra. Chiếc trực thăng gặp nạn có liên quan đến hai chỉ thị kỹ thuật gần đây của FAA. Một chỉ thị ban hành tháng 5/2023 yêu cầu kiểm tra và thay thế trục cánh đuôi trên một số mẫu Bell 206L, bao gồm 206L-4, do từng xảy ra sự cố mất điều khiển do trục hỏng. Một chỉ thị khác từ tháng 12/2022 yêu cầu kiểm tra cánh chính vì nguy cơ "tách lớp", khiến cánh có thể gãy do hư hại hoặc lỗi sản xuất.

Một chiếc trực thăng chở khách đã rơi xuống sông Hudson ở New York chiều 10/4 (giờ Mỹ). Video từ hiện trường cho thấy chiếc máy bay bị rụng cánh giữa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN