"Bệnh lạ" xuất hiện ở Nam Sudan: Số người chết lên đến gần 100
Gần 100 người tử vong vì căn bệnh bí ẩn ở Nam Sudan, trong khi đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra rồi về mà chưa có ý kiến gì.
Người dân Nam Sudan phải sống trong những căn nhà tạm bợ sau đợt lũ kinh hoàng (ảnh: Mirror)
Đến ngày 28.12, “bệnh lạ” đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 97 người ở Fangak, bang Jonglei, phía bắc Nam Sudan, theo Mirror. Lưu ý, đây chỉ là con số được thống kê từ các bệnh viện, trung tâm y tế và bác sĩ ở Nam Sudan.
Bộ Y tế Nam Sudan tiết lộ, căn bệnh bí ẩn chủ yếu tấn công người già và trẻ em dưới 14 tuổi – những người có sức khỏe, hệ miễn dịch kém. Triệu chứng của “bệnh lạ” bao gồm ho, tiêu chảy, sốt cao, đau đầu, đau khớp, chán ăn, suy nhược cơ thể và đau ngực. Đây là những triệu chứng bệnh thường gặp, khiến người mắc “bệnh lạ” chủ quan và tự tìm cách chữa trị tại nhà thay vì tìm đến các cơ sở y tế để được chăm sóc.
Hôm 14.12, WHO tuyên bố đã cử một nhóm phản ứng nhanh đến Nam Sudan để điều tra về “bệnh lạ”. Tuy nhiên, sau khi thu thập được mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm, nhóm điều tra của WHO đã rời khỏi Nam Sudan mà không tiết lộ bất cứ thông tin gì. Hành động khó hiểu của họ khiến giới chức Nam Sudan khó chịu, theo Mirror.
Bộ Y tế Nam Sudan cho biết, khu vực Fangak đang phải chịu hậu quả nặng nề của những trận lũ lớn. Điều này làm gia tăng áp lực phòng chống dịch bệnh đối với quan chức địa phương. Những bệnh được chính quyền Nam Sudan chú ý hiện nay là sốt rét và tả. Họ không có đủ nguồn lực để điều tra về “bệnh lạ” đang âm thầm cướp đi sinh mạng của nhiều người.
“Lũ lụt ở Nam Sudan là điều kiện hoàn hảo cho dịch bệnh bùng phát”, Medecins Sans Frontieres – Tổ chức từ thiện quốc tế đang hoạt động ở Nam Sudan – nhận định.
Từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, Nam Sudan liên tục phải hứng chịu những trận lũ lớn khiến hơn 700.000 người bị ảnh hưởng, hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Đây là đợt lũ tồi tệ nhất ở nước này trong vòng 60 năm qua.
“Lũ lụt khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao, đặc biệt là các bệnh như tiêu chảy cấp, tả và sốt rét”, Medecins Sans Frontieres cảnh báo.
Hiện chưa rõ lý do vì sao nhóm phản ứng nhanh của WHO vội vàng rời khỏi Nam Sudan mà không đưa ra thông báo hay tiết lộ bất cứ điều gì về “bệnh lạ”. Trước khi cử người tới Nam Sudan, WHO phỏng đoán căn bệnh bí ẩn có thể chỉ là một đợt bùng phát của bệnh tả. Những người mắc bệnh tả nặng có thể bị mất nước nghiêm trọng, gây suy thận và tử vong trong thời gian ngắn.
Theo Mirror, nhóm phản ứng nhanh của WHO đã cố gắng xét nghiệm mẫu bệnh phẩm “bệnh lạ” ở Nam Sudan để tìm vi khuẩn tả, nhưng kết quả trả về là âm tính.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 14.12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, một nhóm y tế phản ứng nhanh vừa được cử tới Nam Sudan để điều tra...