Những báu vật bằng vàng mới nhất ở nơi có thể khiến lịch sử TQ phải viết lại
Các nhà khảo cổ Trung Quốc ngày 23.3 đào được thêm một số báu vật bằng vàng từ di chỉ Tam Tinh Đôi bí ẩn, nơi phát hiện nhiều cổ vật có ý nghĩa lớn đến mức có thể phải viết lại lịch sử Trung Quốc.
Chiếc đĩa mỏng bằng vàng được tìm thấy ở điểm khai quật số 5.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc nói các phát hiện gần đây ở khu di chỉ Tam Tinh Đôi, tỉnh tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc có niên đại cách 3.000 – 3.200 năm, truyền thông Trung Quốc đưa tin ngày 23.3.
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp xác định tuổi bằng carbon để tìm ra niên đại của 14 trong tổng số 73 cổ vật mới được tìm thấy tại 6 điểm khai quật.
Ở điểm khai quật số 4, hay còn gọi là hố hiến tế số 4, các cổ vật có niên đại từ năm 1199-1017 trước Công nguyên, trùng với thời nhà Thương ở phía bắc Trung Quốc.
Đáng chú ý, các nhà khảo cổ tìm thấy một đai lưng bằng vàng tại điểm khai quật vào ngày 22.3, nằm bên dưới các mảnh cổ vật bằng gốm. Các nhà khảo cổ đang cố gắng dịch chuyển các mảnh cổ vật bằng gốm để với tới chiếc đai bằng vàng.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc vẫn đang mở rộng khai quật ở di chỉ Tam Tinh Đôi.
Theo kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các nhà khảo cổ ngày 23.3 còn tìm thấy một số đĩa bằng vàng mỏng tại điểm khai quật số 5. Đây cũng là nơi tìm thấy phần lớn cổ vật bằng vàng.
Những chiếc đĩa bằng vàng được sử dụng để làm gì đến nay vẫn là điều bí ẩn. Các nhà khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu để xác định mối liên hệ giữa chúng với các cổ vật khác được chôn ở khu di chỉ Tam Tinh Đôi.
Nhiều cổ vật bằng đồng và vỏ sò được tìm thấy ở điểm khai quật số 3, nằm bên dưới 127 chiếc ngà voi. Những chiếc ngà voi này đến nay vẫn chưa được đưa lên mặt đất.
Lần đầu được phát hiện vào năm 1929, khu di chỉ Tam Tinh Đôi rộng 12km2, dường như là trung tâm của một thành phố cổ bị lãng quên trong lịch sử. Đây là nơi người cổ xưa tổ chức nghi lễ hiến tế, chôn các hiện vật giá trị.
Các Cổ vật ở Tứ Xuyên không có mối liên hệ với nền văn hóa sau này của Trung Quốc. Các nhà khảo cổ đến nay cũng chưa giải mã được các ký hiệu có trên cổ vật.
Chất lượng và độ tinh xảo của các cổ vật này vượt xa đồ tạo tác chế tạo cùng thời ở những khu vực khác tại Trung Quốc, kể cả ở vùng Trung Nguyên, cái nôi của triều đại nhà Thương ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.
Nếu nền văn minh bí ẩn là có thật, lịch sử Trung Quốc có thể sẽ phải viết lại, theo các nhà nghiên cứu.
Nguồn: [Link nguồn]
Một nông dân ở Trung Quốc từng tìm thấy 60kg vàng khi đào giếng. Bí ẩn về nguồn gốc số vàng khiến các chuyên gia tin...