Thông tin mới về hệ thống đường hầm khổng lồ và đầy nguy hiểm của Hamas
"Có cả một thành phố ngầm ở độ sâu 40-50 mét tại Dải Gaza. Ở đó có các boongke, trụ sở và kho chứa. Đồng thời, chúng được kết nối với hơn một nghìn vị trí phóng rocket", một quan chức quân sự Israel, được giao nhiệm vụ đối phó với hệ thống đường hầm của Hamas, cho biết.
Video: Bên trong đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Nguồn: CNN
Hãng Reuters ngày 27/10 dẫn các nguồn tin an ninh cho hay, những gì đang rình rập lực lượng bộ binh Israel ở Dải Gaza đang ở trong hệ thống đường hầm dài hàng trăm km và sâu hàng chục mét của Hamas.
Theo các nguồn thạo tin của phương Tây và Trung Đông, lực lượng Hamas có các đường hầm được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như tấn công, buôn lậu hay làm kho chứa, chạy bên dưới Dải Gaza.
Một quan chức Mỹ cho biết, Washington cho rằng các đặc nhiệm Israel sẽ phải đối mặt với thách thức chưa từng có khi vừa phải chiến đấu với Hamas, vừa phải đảm bảo an toàn cho các con tin ở hầm ngầm.
Theo Reuters, dù Israel đã đầu tư rất nhiều vào việc phát hiện các đường hầm, bao gồm hàng rào ngầm được trang bị cảm biến mà họ gọi là "bức tường sắt", Hamas được cho là vẫn đào được đường hầm vượt ra ngoài biên giới Dải Gaza.
Sau cuộc xung đột năm 2021, Yehya Al-Sinwar, thủ lĩnh của Hamas ở Gaza, nói rằng: "Họ nói đã phá hủy 100 km đường hầm của Hamas. Nhưng tôi nói để các bạn biết rằng, những đường hầm của chúng tôi ở Gaza dài 500km. Ngay cả khi những gì họ nói là đúng, họ mới chỉ phá hủy được 20% số đường hầm của chúng tôi".
Lời kể của con tin
Không có sự chứng thực nào cho tuyên bố trên của Al-Sinwar, người được cho là đang ẩn náu dưới hầm ngầm trước một cuộc tấn công trên bộ dự kiến của Israel.
Nhưng các nhà phân tích an ninh đã chấp nhận con số ước tính hàng trăm km khi nói tới độ dài hệ thống đường hầm của Hamas.
Khi Israel có toàn quyền kiểm soát đường vào trên không và trên biển của Dải Gaza cũng như 59km trong tổng số 72 km đường biên giới trên bộ, hệ thống đường hầm giúp Hamas đưa vũ khí, thiết bị quân sự và con người từ bên ngoài vào Dải Gaza.
Yocheved Lifshitz, con tin 85 tuổi mới được Hamas trả tự do, nói về đường hầm của Hamas: "Trông giống như một mạng nhện. Có rất nhiều, rất nhiều đường hầm. Chúng tôi đã đi bộ hàng km dưới lòng đất".
Hamas cho rằng, hệ thống đường hầm giúp phá bỏ ưu thế vượt trội về quân sự trên không và trên bộ của Israel, đồng thời buộc binh sĩ Israel phải di chuyển dưới lòng đất, trong không gian chật hẹp mà các tay súng Hamas hiểu rõ.
"Tôi sẽ không nói chi tiết về số km của hệ thống đường hầm nhưng đây là một con số lớn. Hệ thống này được xây dựng dưới các trường học và khu dân cư", một phát ngôn viên quân đội Israel ngày 26/10 nói.
Thành phố ngầm
Có cả một thành phố ngầm bên dưới Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Một số nguồn tin an ninh Israel cho biết, các cuộc oanh tạc liên tiếp từ trên không của Israel chỉ gây ra chút ít thiệt hại cho hệ thống đường hầm của Hamas, đồng thời nhóm biệt kích của hải quân Hamas có thể thực hiện một cuộc tấn công bằng đường biển nhằm vào các cộng đồng ven biển gần Dải Gaza trong tuần này.
"Dù chúng tôi tấn công ồ ạt trong nhiều ngày, nhưng giới lãnh đạo Hamas vẫn không bị tổn hại quá nhiều, khả năng chỉ huy, kiểm soát thậm chí là phát triển các cuộc phản công của Hamas vẫn còn", Amir Avivi, phó tư lệnh sư đoàn Gaza của Israel được giao nhiệm vụ đối phó hệ thống đường hầm của Hamas, nói. "Có cả một thành phố ngầm ở độ sâu 40-50 mét tại Dải Gaza. Ở đó có các boongke, trụ sở và kho chứa. Đồng thời, chúng được kết nối với hơn một nghìn vị trí phóng rocket".
Các nguồn tin khác ước tính, độ sâu của thành phố ngầm này xuống tới 80m.
Một nguồn tin an ninh phương Tây cho biết: "Các đường hầm kéo dài hàng km. Chúng được làm bằng bê tông và khá kiên cố. Hamas có nhiều năm và nhiều tiền để xây hệ thống hầm ngầm".
Một nguồn tin an ninh khác từ một trong những nước láng giềng của Israel cho rằng, hệ thống đường hầm của Hamas từ Gaza nối sang Ai Cập vẫn hoạt động.
"Việc trao đổi, buôn bán vẫn diễn ra. Có sự tiếp tay của một số sĩ quan quân đội Ai Cập", nguồn tin an ninh nói.
Hai nguồn tin an ninh và một thương nhân ở thành phố El Arish (Ai Cập) cho rằng, một số lượng đường hầm buôn lậu hẹp, sâu hơn vẫn hoạt động tới trước khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Các quan chức Ai Cập chưa bình luận về các thông tin na.
Quá trình xây dựng hệ thống hầm ngầm “khủng”
Một đường hầm tấn công của Hamas từ Gaza sang Israel. Ảnh: Reuters.
Hamas thành lập ở Gaza năm 1987 và được cho là bắt đầu đào hầm vào giữa thập niên 90, khi Israel trao cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) một số quyền tự trị ở Gaza.
Hệ thống đường hầm là lý do chính giúp Hamas mạnh hơn ở Dải Gaza so với lực lượng này ở khu vực Bờ Tây - nơi các khu định cư, căn cứ quân sự và thiết bị giám sát của Israel khiến việc tiếp cận của Hamas với Jordan gặp khó khăn.
Việc đào hầm ở Gaza trở nên dễ dàng hơn vào năm 2005 khi Israel rút binh sĩ và người định cư khỏi khu vực này và Hamas giành quyền kiểm soát trong cuộc bầu cử năm 2006.
Ngay sau đó, Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam, nhánh quân sự của Hamas, đã bắt giữ binh sĩ Israel Gilad Shalit và sát hại 2 binh sĩ Israel khác sau khi đột kích căn cứ Kerem Shalom (giáp biên giới Gaza) bằng đường hầm dài 600m.
Một năm sau, Hamas thực hiện một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các lực lượng của PLO cũng bằng các đường hầm.
Ngoài các đường hầm quân sự, trong thời kỳ đó, các đường hầm thương mại của những kẻ buôn lậu ở Gaza cũng được khai thác tối đa.
Các đường hầm này rộng khoảng một mét và sử dụng hệ thống tời để chuyển hàng hóa dọc theo sàn đường hầm trong các thùng xăng rỗng.
Abu Qusay, người từng vận hành một đường hầm thông từ Gaza sang Ai Cập, tiết lộ, một đường hầm dài 800m cần từ 3 đến 6 tháng để hoàn thành. Nó mang lại lợi nhuận lên tới 100.000 USD/ngày (2,4 tỷ đồng). Mặt hàng có lợi nhuận cao nhất là đạn, mua mỗi viên với giá 1 USD ở Ai Cập nhưng vào Gaza thì bán được với giá gấp 6 lần. Súng trường Kalashnikov mua 800 USD (gần 20 triệu đồng)/khẩu, khi bán vào Gaza sẽ có giá gấp đôi.
Năm 2007, Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam được cho là đã đưa chỉ huy của họ là Mohammed Deif vào Gaza thông qua một đường hầm nối tới Ai Cập. Theo Reuters, Deif được xác định là người lên kế hoạch vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10.
Săn hầm ngầm
Một tay súng Hamas trong hệ thống đường hầm. Ảnh: Getty
Giáo sư Joel Roskin, nhà địa chất tại Đại học Bar-Ilan của Israel, cho biết, rất khó lập bản đồ hệ thống đường hầm của Hamas một cách chính xác từ các công cụ xác định trên mặt đất hay vệ tinh. Giáo sư Roskin còn nói thêm rằng, việc vẽ được bản đồ 3D và hiển thị hình ảnh về hệ thống đường hầm đòi hỏi các thông tin chất lượng cao.
Trong số các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ được giao nhiệm vụ xuống hầm đối đầu Hamas, có Yahalom - nhóm biệt kích chuyên nghiệp thuộc Quân đoàn Kỹ thuật Chiến đấu của Israel. Yahalom còn được biết tới với biệt danh "Chồn" - chuyên tìm kiếm, dọn sạch và phá hủy các đường hầm.
Đầu tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến thăm các thành viên của Yahalom, động viên họ rằng: "Tôi trông cậy vào các bạn và người dân Israel cũng vậy".
Các nguồn tin Israel cho rằng những gì đang chờ đợi Yahalom rất nguy hiểm khi họ phải đối mặt với đối thủ đã có nhiều kinh nghiệm từ các cuộc đụng độ với quân đội Israel vào các năm 2014 và 2021.
"Sẽ có rất nhiều bẫy bom. Tôi tin rằng nhóm vũ trang này đã mua được nhiều vũ khí chống tăng để tấn công đội tăng thiết giáp của chúng ta", Amnon Sofrin, cựu thiếu tướng và cựu chỉ huy Quân đoàn Tình báo Chiến đấu của Israel, nói.
Ông Sofrin còn nói rằng Hamas có thể sẽ cố bắt cóc các binh sĩ Israel. Daphne Richemond-Barak, giáo sư tại Đại học Reichman (Israel), cho rằng, xung đột ở Syria và Iraq đã khiến tình hình thay đổi.
"Những gì quân đội Israel có thể phải đối mặt dưới các đường hầm là tất cả kinh nghiệm mà các nhóm vũ trang chống Israel khác đã học được và truyền lại cho Hamas", giáo sư Richemond-Barak nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Với giới quân sự ở Israel, có “hai Dải Gaza” mà họ phải đối mặt khi tiến vào. Đó là Gaza lộ thiên và Gaza ngầm.