Thông điệp từ các cường quốc hàng đầu châu Âu: “Ukraine phải thắng thế”

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ngoại trưởng các cường quốc hàng đầu châu Âu tuyên bố ủng hộ Ukraine vào thời điểm Kiev ngày càng lo ngại rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây có thể giảm sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau.

Ngoại trưởng từ các cường quốc hàng đầu châu Âu tuyên bố "sự đoàn kết vững chắc" của họ với Ukraine, hứa hẹn tăng cường hỗ trợ quân sự và kinh tế cho quốc gia Đông Âu sau hơn 1.000 ngày xung đột.

Tuyên bố chung được Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, cùng với người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas, đưa ra hôm 12/12, vào thời điểm mà họ gọi là "thời điểm bước ngoặt" trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

"Ukraine phải thắng thế", các Ngoại trưởng tuyên bố sau cuộc họp tại Berlin với người đồng cấp Ukraine, Ngoại trưởng Andrii Sybiha.

Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, cùng với đại diện EU và Ngoại trưởng Ukraine, nhóm họp tại Berlin, ngày 12/12/2024. Ảnh: Al Arabiya

Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, cùng với đại diện EU và Ngoại trưởng Ukraine, nhóm họp tại Berlin, ngày 12/12/2024. Ảnh: Al Arabiya

"Không thể có cuộc đàm phán về hòa bình ở Ukraine nếu không có người Ukraine và người châu Âu bên cạnh họ", các Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Công thức Hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky như một con đường đáng tin cậy hướng tới hòa bình lâu dài.

Các Ngoại trưởng châu Âu cũng đã vạch ra kế hoạch thực hiện gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD mà G7 đã nhất trí thông qua hồi tháng 10, để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của Ukraine, đặc biệt là các yêu cầu về quân sự. "Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự, kinh tế và tài chính cho Ukraine, bao gồm thông qua nguồn tài trợ bổ sung của châu Âu", họ tuyên bố.

Tuyên bố cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng như con đường gia nhập EU, hứa hẹn "bảo đảm an ninh vững chắc", bao gồm cả sự hỗ trợ quân sự và tài chính dài hạn.

Cuộc họp cũng đề cập đến cấu trúc an ninh châu Âu rộng lớn hơn, với việc các Bộ trưởng cam kết củng cố NATO và đảm bảo chia sẻ gánh nặng phòng thủ công bằng trong liên minh trong khi xây dựng "một châu Âu an toàn hơn và thống nhất hơn", theo tuyên bố của các nhà ngoại giao.

Cuộc họp hôm 12/2, do Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock chủ trì, diễn ra vào thời điểm Kiev ngày càng lo ngại rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine có thể giảm sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau.

Ông Trump, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 năm nay và sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 nam sau, đã nhiều lần chỉ trích các gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và hứa sẽ chấm dứt xung đột "trong vòng 24 giờ".

Lập trường của vị chính trị gia tỷ phú Mỹ đã làm dấy lên sự lo lắng trong số các đồng minh châu Âu về mức độ hỗ trợ của Washington đối với Kiev trong tương lai cũng như thúc đẩy một cam kết mới về việc bảo vệ Ukraine.

Nga kiên quyết không nhượng bộ về vấn đề xung đột Ukraine còn Kiev tuyên bố ngay cả khi bị Mỹ cắt viện trợ họ vẫn đủ tiềm lực để chiến đấu với Moscow.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Anadolu, Kyiv Post) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN