Thông điệp cứng rắn quyết chặn tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong hàng loạt các vấn đề khác biệt, bất đồng sâu sắc, thậm chí tới mức đối đầu xung khắc giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trên bàn nghị sự của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, Biển Đông nổi lên như là một vấn để gai góc nhất.
Biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông nhằm bác bỏ đòi chủ quyền phi pháp và răn đe tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông
Đối đầu gay gắt ở Biển Đông
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc theo hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 15-11 nằm trong khuôn khổ cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới diễn ra trong năm đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng của tân Tổng thống Mỹ. Cũng như các cuộc gặp gần đây theo thông lệ này, những điểm bất đồng, mâu thuẫn luôn lấn lướt, bao trùm lên chương trình nghị sự hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc khi quốc gia đông dân nhất thế giới trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức và cạnh tranh vai trò siêu cường hàng đầu thế giới với Mỹ.
Trong hàng loạt những vấn đề gai góc trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Biển Đông - dù có được công khai đề cập hay không thì vẫn nổi lên như là một vấn đề đối đầu xung khắc nhất. Bởi đây cũng là vấn đề, địa bàn chiến lược trọng yếu hàng đầu trên toàn cầu mà Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm, lợi ích và sự cạnh tranh mang tính đối đầu nhau gay gắt.
Mâu thuẫn Mỹ - Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông dần trở thành đối đầu gay gắt khi Trung Quốc chính thức công khai hóa yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn” hay “đường chín đoạn”), theo đó đơn phương đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, trong đó có những khu vực biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cũng như một số nước liên quan ở Biển Đông. Cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc từ đó bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cũng như chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan để ráo riết hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông về cả mặt pháp lý và trên thực địa.
Trung Quốc thời gian qua đã đổ tiền của để biến các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ quân sự quy mô lớn. Giới phân tích cho rằng, những căn cứ quân sự có cả cảng nước sâu và sân bay này là những bàn đạp để dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền, “độc chiếm” Biển Đông, trong đó có việc sớm triển khai vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)…
Với sự hậu thuẫn của sức mạnh quân sự vượt trội các quốc gia tiếp giáp Biển Đông, Trung Quốc không ngừng leo thang các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền các bên liên quan hòng toan tính biến vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, vùng biển hoàn toàn có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trong động thái pháp lý mới nhất, Trung Quốc liên tiếp thông qua 2 đạo luật bị khu vực và thế giới chỉ trích, phản đối là Luật Hải cảnh và Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi. Nếu như Luật Hải cảnh thông qua hồi tháng 8-2021 cho phép lực lượng chấp pháp Trung Quốc nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài thì Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-9-2021, yêu cầu tàu thuyển nước ngoài phải khai báo khi đi vào khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là “lãnh hải”.
Quyết chặn tham vọng đòi chủ quyền phi pháp trên biển
Trước việc Trung Quốc đang bất chấp tất cả để biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, Mỹ với lợi ích chiến lược toàn cầu, trong đó có lợi ích cốt lõi và sát sườn ở Biển Đông cũng ngày càng có ứng phó mạnh mẽ, quyết liệt, trực diện hơn để ngăn chặn tham vọng phi lý, phi pháp của Bắc Kinh. Washington đã xoay trục chiến lược từ châu Âu về Đại Tây Dương - Thái Bình Dương để ngăn chặn tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc, bao trùm hơn là ngăn chặn sự trỗi dậy thành một siêu cường hàng đầu thế giới của Trung Quốc.
Trên thực địa, Mỹ ngày càng tăng cường các hoạt động giám sát và răn đe Trung Quốc trên Biển Đông tiến hành hàng nghìn vụ trinh sát, giám sát, tuần tra với những loại máy bay hiện đại nhất. Mỹ triển khai “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP), điều tàu khu trục mang tên lửa, tàu sân bay tuần tra sát vào các đảo, thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông nhằm bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với các đảo, thực thể này.
Sau thời gian dài chưa thể hiện lập trường rõ ràng và dứt khoát, Mỹ đã chính thức công bố chính đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào tháng 6-2020 khi gửi Công hàm tới Liên hợp quốc và tất cả các thành viên Liên hợp quốc, trong đó bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên UNCLOS năm1982. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 7-2020, đã lần đầu tiên công khai quan điểm của Washington khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Đây là bước ngoặt chính sách then chốt của Mỹ bởi bên cạnh việc chính thức hóa lập trường bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, nếu bên nào bị Mỹ gửi Công hàm phản đối lên Liên hợp quốc mà không tuân thủ thì Washington sẽ có động thái trừng phạt.
Không lâu sau khi gửi Công hàm tới Liên hợp quốc, Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 8-2020 đã áp lệnh trừng phạt với 24 công ty “giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”, bao gồm công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc, các doanh nghiệp viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ đưa công ty Trung Quốc vào danh sách đen trừng phạt vì vấn đề Biển Đông.
Áp lực mà Mỹ dồn lên tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục gia tăng khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 20-10 đã thông qua dự án luật mang tên “Đạo luật cấm vận Biển Đông và biển Hoa Đông 2021” (Dự luật S.1657), thông điệp mới nhất nhằm răn đe tham vọng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự án luật được Thượng Nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) và Thượng Nghị sĩ Ben Cardin (Đảng Dân chủ) bảo trợ này sẽ cho phép cấm vận mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hoạt động của các lực lượng Mỹ nhằm răn đe, ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng đang tiếp tục được tăng cường hơn nữa dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Dù để ngỏ sự hợp tác với Trung Quốc, song Tổng thống Joe Biden vẫn áp dụng các biện pháp mạnh tay của những chính quyền tiền nhiệm nhằm đối phó với những hành vi hung hăng, ngang ngược, bắt nạt của Trung Quốc hòng thực hiện tham vọng chủ quyền phi pháp tại các vùng biển ở châu Á, trong đó trọng tâm là Biển Đông.
Trung Quốc hiện sở hữu các tàu ngầm lỗi thời, hoạt động quá ồn ào và kém xa năng lực so với các tàu ngầm của Mỹ...
Nguồn: [Link nguồn]