Thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc khi thăm Serbia đúng dịp tưởng niệm vụ ném bom của NATO
Được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu MIG-29, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Serbia tối 7/5. Chuyến thăm được bảo vệ an ninh chặt chẽ diễn ra đúng vào dịp tưởng niệm 25 năm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thả bom vào Đại sứ quán Trung Quốc, khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cùng phu nhân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại sân bay Belgrade ngày 7/5. (Ảnh: Reuters)
Belgrade là chặng dừng chân thứ hai của ông Tập Cận Bình trong chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông trong 5 năm. Tại Serbia, quốc gia mà Trung Quốc coi là đối tác quan trọng nhất của họ ở vùng Balkan, ông Tập dự kiến sẽ thảo luận việc đầu tư nhiều tỷ đô la vào quốc gia này và có thể ký những thỏa thuận mới.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và các quan chức chính phủ ra tận sân bay Belgrade đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nơi ông được chào mừng bằng đội danh dự và các vũ công truyền thống. Hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm trong ngày 8/5.
Ngày 7/5/1999, 20 công dân Trung Quốc bị thương trong vụ ném bom của NATO. Sự kiện đó khiến Bắc Kinh nổi giận và buộc Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó phải xin lỗi.
Đại sứ quán bị trúng bom trong thời gian diễn ra chiến dịch chống lại Nam Tư lúc bấy giờ, nhằm buộc nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic phải dừng trấn áp người Albania ở Kosovo.
“Nhân dân Trung Quốc đề cao hòa bình nhưng sẽ không bao giờ cho phép bi kịch lịch sử đó lặp lại”, ông Tập viết trong bài đăng trên nhật báo Politika ngày 7/5.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Serbia đã trở thành ký ức chung của hai bên và sẽ khuyến khích chúng ta cùng nhau tiến những bước dài”, ông Tập viết.
Các tuyến phố ở Belgrade được trang trí bằng rất nhiều cờ và biểu ngữ, trong khi hàng ngàn cảnh sát được triển khai để bảo vệ ông Tập và đoàn tháp tùng gồm 400 thành viên.
Khi ông Tập thăm Serbia năm 2016, hai nước ký khuôn khổ đối tác chiến lược. Năm ngoái, Tổng thống Vucic ký 18 thỏa thuận với ông Tập tại Bắc Kinh, trong đó có thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực từ tháng 7 tới.
Cùng với Hungary, Serbia là một trong số ít quốc gia châu Âu ủng hộ sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc mạnh mẽ nhất.
Trung Quốc đang vận hành nhiều mỏ và nhà máy trên khắp Serbia, cho vay hàng tỷ đô la để quốc gia này làm đường, xây cầu và các hạ tầng khác.
Các nhà quan sát cho rằng, việc ông Tập chọn thăm Serbia và Hungary trong chuyến công du lần này là nhằm đưa hai quốc gia châu Âu thân thiết với Nga lại gần nhau. Các quốc gia phương Tây coi Serbia là nơi thân thiết với Trung Quốc ngay cửa ngõ vào Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Serbia sau EU, với tổng kim ngạch đạt 6,1 tỷ USD, và nằm trong top 5 nước có đầu tư nhiều nhất vào Serbia, theo thống kê của cơ quan đầu tư quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Tập đã nêu ra điều kiện để Trung Quốc ủng hộ một cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.