Thông điệp châu Âu muốn gửi tới ông Trump

Mặc dù từng khẳng định sẽ "không nhảy theo điệu" của ông Trump trong chính sách đối với NATO, các nhà lãnh đạo châu Âu đang có sự chuẩn bị để thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ, ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với ông Trump tại một hội nghị của NATO vào năm 2019.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với ông Trump tại một hội nghị của NATO vào năm 2019.

Ông Trump gần đây vấp phải sự chỉ trích từ châu Âu do ngụ ý rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các quốc gia không đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng đề ra trong NATO, thậm chí có thể khuyến khích Nga tấn công các quốc gia đó.

Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra cuối tuần qua, quan điểm gây tranh cãi của ông Trump một lần nữa được các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận. Châu Âu không chỉ lo ngại tương lai của NATO nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống mà còn lo ngại về gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine.

Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng, gói hỗ trợ rất cần thiết để duy trì xung đột. Trong ngày thứ hai diễn ra hội nghị ở Đức, Nga đã tuyên bố kiểm soát thị trấn Avdiivka. Đây là bước tiến đáng kể nhất của Nga kể từ tháng 5/2023.

Theo Japan Times, châu Âu đã tiếp cận nghị sĩ Mỹ, các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo viện nghiên cứu ở Mỹ nhằm qua đó tác động đến đội ngũ của ông Trump. Động thái này diễn ra trước khi ông Trump đưa ra bình luận tranh cãi.

Thông điệp mà châu Âu muốn gửi tới ông Trump là châu lục sẵn sàng chi nhiều hơn cho quốc phòng, làm nhiều hơn nữa để giảm bớt gánh nặng đối với Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine và đáp ứng mục tiêu của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc.

"Người châu Âu chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến an ninh của chính mình, hiện tại và trong tương lai”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại hội nghị. "Ý chí để thực hiện là rất lớn".

Ông Scholz và các nhà lãnh đạo châu Âu khác, gồm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ứng viên cho chiếc ghế tổng thư ký NATO, nói châu Âu cần đầu tư hơn nữa cho quốc phòng nhưng không phải vì ông Trump và mà là vị lợi ích riêng.

Nhưng ở phía sau hậu trường, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng muốn thuyết phục ông Trump, rằng Mỹ gắn bó với NATO vẫn sẽ là điều cần thiết. "Mỹ cần một NATO mạnh mẽ để duy trì ảnh hưởng", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere nói tại hội nghị.

Cuối tháng trước, đương kim Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tới Mỹ nhằm thuyết phục đội ngũ của ông Trump trong vấn đề Ukraine. Ông Stoltenberg cũng tới thăm nhà máy của hãng Lockheed Martin ở bang Alabama - nhà máy chuyên sản xuất tên lửa chống tăng Javelin.

Ông Stoltenberg phát biểu tại hội nghị: "Phần lớn khoản tiền được châu Âu phân bổ cho Ukraine sẽ được chuyển cho Mỹ để mua vũ khí Mỹ, ví dụ như tên lửa Javelin".

Nhấn mạnh mục tiêu kiềm chế Trung Quốc của ông Trump, ông Stoltenberg nói: "Mỹ chiếm 25% GDP toàn cầu. Cùng với các đồng minh NATO, chúng ta đại diện cho 50% GDP toàn thế giới và 50% sức mạnh quân sự toàn cầu. Vậy nên miễn là chúng ta cùng chung chí hướng, chúng ta sẽ an toàn".

Ước tính 18 trong số 31 nước thành viên NATO sẽ đáp ứng mức chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP trong năm nay, tăng đáng kể so với 11 nước vào năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì mức chi tiêu hàng đầu trong NATO với 3,5% GDP trong năm 2023.

Yêu cầu các nước thành viên NATO đáp ứng mức chi tiêu đề ra là một trong những điều kiện mà ông Trump đề ra trong nhiệm kỳ đầu tiên để Mỹ không rời khỏi liên minh.

Thượng nghị sĩ Mỹ J.D. Vance, một đồng minh của ông Trump, phát biểu tại hội nghị ở Đức rằng ông hoan nghênh việc châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và tin rằng ông Trump sẽ không rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử. Nhưng ông Vance nói Mỹ sẽ cần tập trung nhiều hơn cho các vấn đề ở Đông Á, nên châu Âu cần sẵn sàng để tự chủ về mặt quân sự.

"Vấn đề không chỉ là ngân sách chi tiêu. Ngày mai Đức có thể triển khai ngay lập tức bao nhiêu lữ đoàn cơ giới? Chỉ một lữ đoàn?", ông Vance đặt câu hỏi. "Chiếc ô an ninh của Mỹ đã khiến năng lực huy động quân đội của châu Âu suy giảm".

Đức và Pháp vừa ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, mang lại giải pháp tạm thời cho Kiev trong khi chờ đợi một ngày nào đó có cơ hội gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Japan Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN