Quan Vũ tha mạng Tào Tháo có lợi cho phe Lưu Bị như thế nào?

Câu chuyện Quan Vũ tha mạng Tào Tháo trong trận Xích Bích có phần được hư cấu trong Tam quốc diễn nghĩa, nhưng không thể phủ nhận rằng, Gia Cát Lượng có lý do để giao phó sứ mệnh này cho Quan Vũ.

Quan Vũ tha mạng Tào Tháo có lợi cho phe Lưu Bị như thế nào? - 1

Điển tích Quan Vũ tha mạng cho Tào Tháo ở đường Hoa Dung, sau đại chiến Xích Bích.

Trận Xích Bích được mô tả chi tiết trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, từ hồi 43 khi Gia Cát Lượng sang Đông Ngô thuyết phục Tôn Quyền thành lập liên minh Tôn-Lưu đến hồi 50 khi Quan Vũ thả Tào Tháo ở đường Hoa Dung.

Nhiều chi tiết do tác giả La Quán Trung đưa vào tiểu thuyết khá khác biệt so với ghi chép lịch sử. Trong đó, chuyện Quan Vũ tha mạng Tào Tháo là một trong những chi tiết gây chú ý nhất trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Các tài liệu lịch sử sau này chỉ nhắc đến việc Quan Vũ theo lệnh Gia Cát Lượng, đến chặn quân Tào Ngụy rút chạy ở đường Hoa Dung. Không có mô tả nào về việc Quan Vũ gặp Tào Tháo tại con đường này. Chuyện Quan Vũ gặp Tào Tháo do vậy có thể chỉ là nội dung do tác giả La Quán Trung thêu dệt thêm, để làm tăng phần ly kỳ.

Câu chuyện này được những người yêu Tam quốc và cũng như đam mê lịch sử Trung Quốc tin là thật vì hành động này thể hiện đúng tính cách và nghĩa khí của Quan Vũ.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, người ra lệnh cho Quan Vũ chặn đường Tào Tháo chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chuyện này là thật, Khổng Minh chắc chắn đã dự đoán được hành động của Quan Vũ, bởi việc Tào Tháo không chết có lợi cho nhà Thục Hán sau này.

Toan tính của Gia Cát Lượng

Theo trang mạng Trung Quốc Qulishi, Gia Cát Lượng được người đời sau ghi nhận là một trong những đệ nhất quân sư thời Tam quốc. Ở thời điểm trước trận đánh Xích Bích, uy danh của Gia Cát Lượng chưa lớn.

Gia Cát Lượng khi đó giúp Lưu Bị vạch ra "Long Trung đối sách" để tranh đoạt thiên hạ. Trận thủy chiến Xích Bích được cho là cơ hội để Gia Cát Lượng cụ thể hóa chiến lược này.

Gia Cát Lượng có lý do giao phó trọng trách chặn đường rút của Tào Tháo cho Quan Vũ. Vì trước đây, Quan Vũ từng có thời gian phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.

Quan Vân Trường luôn muốn quay về với Lưu Bị, nhưng chỉ đến khi lập đại công, giúp Tào Tháo tranh đoạt thiên hạ thì Quan Vũ mới yên tâm rời đi.

Quan Vũ tha mạng Tào Tháo có lợi cho phe Lưu Bị như thế nào? - 2

Hình tượng Quan Vũ trong phim truyền hình Trung Quốc.

Gia Cát Lượng do đó hiểu rõ nghĩa khí của Quan Vân Trường và không có khả năng Quan Vũ ra tay với Tào Tháo.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng nói với Triệu Vân: “Đợi binh mã Tào Tháo qua nửa chừng thì phóng hỏa. Dù không đuổi tận sát tuyệt cũng phải giết một nửa".

“Thấy khói bốc lên thì phóng hỏa trên núi. Dù không bắt được Tào Tháo thì trận này, công lao của Dực Đức cũng không nhỏ", Khổng Minh nói với Trương Phi.

Cuối cùng, Gia Cát Lượng ngỏ ý với Lưu Bị rằng mình chưa thấy Tào Tháo đến số diệt vong. “Lưu chút nhân tình, để Vân Trường đi (cản Tào Tháo), cũng là chuyện tốt”.

Những lời nói của Gia Cát Lượng phần nào phản ảnh toan tính khi đó là đánh bại đại quân Tào Tháo, chứ không muốn giết Tào, theo Qulishi.

Thời điểm Quan Vũ quyết định cục diện Tam quốc

Theo các sử gia Trung Quốc, ở thời điểm trước và sau trận Xích Bích, Tào Ngụy vẫn là lực lượng mạnh nhất Trung Hoa, đứng sau là Tôn Quyền ở Giang Đông và cuối cùng là Lưu Bị.

Theo Qulishi, nếu Quan Vũ hạ sát Tào Tháo thì toàn bộ miền bắc Trung Quốc, vốn được nhà Tào Ngụy thống nhất, có thể sẽ trở nên hỗn loạn.

Tôn Quyền khi đó có thể nhân cơ hội này đánh úp Lưu Bị để chính thức bình định miền nam, theo Qulishi. Trên thực tế, trong trận đại chiến giữa Lưu Bị Và Tôn Quyền sau này để trả thù cho cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị đã phải nếm mùi thất bại cay đắng.

Do đó, Gia Cát Lượng có thể đã tính toán rằng để Tào Tháo sống sót trở về sau trận Xích Bích sẽ giúp cho cục diện Tam quốc trở nên ổn định

Quan Vũ tha mạng Tào Tháo có lợi cho phe Lưu Bị như thế nào? - 3

Tào Tháo sau này để Quan Vũ quay trở về phục sự dưới trướng Lưu Bị.

Các nhà bình luận sau này đều đồng ý rằng, sau trận Xích Bích, Tào Tháo không bao giờ còn có một đội thủy binh đủ lớn để tiêu diệt hai đối thủ ở phương nam.

Kết quả của trận Xích Bích bước đầu đã định hình cho thế chân vạc thời Tam Quốc của ba nước Tào Ngụy - Thục Hán - Đông Ngô và được coi là trận đánh có ý nghĩa lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Cũng nhờ sức mạnh của Tào Ngụy ở phương bắc mà Đông Ngô mới bị kiềm tỏa, đặc biệt sau cái chết của Chu Du năm 210. Lưu Bị nhờ đó có thể đem quân chiếm Kinh Châu, “chia ba thiên hạ” thời Tam quốc.

Trương Chiêu từng nói với Tôn Quyền: "Tào Tháo đêm ngày ôm hận Xích Bích, nhưng vì Tôn - Lưu đồng tâm mà chưa dám hưng binh”.

“Nay nếu chủ công tức giận nhất thời với Lưu Bị, trở mặt thành thù thì chắc chắn Tháo sẽ thừa cơ tấn công, vận nước lâm nguy".

Có thể nói, việc Quan Vũ được giao nhiệm vụ chặn đường rút lui của Tào Tháo là một trong những toan tính tài tình của Gia Cát Lượng.

Nếu đây là chuyện có thật, đó chính là thời điểm Quan Vũ “quyết định cục điện Tam quốc”. Quan Vân Trường hoàn toàn có thể khiến lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc đi theo hướng khác nếu như tự mình đưa ra hành động quyết đoán hơn.

________________

Việc Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố đánh trận từ lâu là chủ đề tranh cãi của các nhà sử học. Nhưng liệu ngựa Xích Thố có thật hay không và loại ngựa này có còn tồn tại đến ngày nay? Bài dài kỳ tới sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

Thực hư Quan Vũ lấy đầu Nhan Lương, qua năm ải chém sáu tướng Tào

Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa được phác họa là nhân vật có sức mạnh hơn vạn người, từng vượt 5 ải chém 6 tướng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN