Thỏa thuận Trung Quốc – Solomon đảo lộn bầu cử Úc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, quyết định của một quốc gia khác lại trở thành vấn đề được cử tri Úc quan tâm nhất vào thời điểm chuẩn bị bầu cử. Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc với Quần đảo Solomon đang gây ra nhiều tranh cãi trong chính trị nội bộ của Úc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Bắc Kinh vào tháng 9/2019. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Bắc Kinh vào tháng 9/2019. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Úc Scott Morrison đề cao quan điểm cứng rắn với Trung Quốc để tập hợp ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, khi chỉ còn vài tuần nước trước ngày bầu cử, đảng Tự do của ông gặp bất lợi vì quyết định này do bị Công đảng đối lập chê là thiếu khéo léo trong ngoại giao ở Thái Bình Dương, từ đó gây rủi ro cho an ninh của Úc.

GS Simon Jackman, công tác tại ĐH Sydney và là một chuyên gia nghiên cứu về bầu cử Úc, nói rằng trong tất cả các cuộc bầu cử ở nước này kể từ Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ mối đe dọa từ một nước khác lại trở thành tâm điểm chú ý của cử tri như hiện nay.

Đảng Tự do của ông Morrison lâu nay cho rằng quan điểm cứng rắn của họ với Trung Quốc khiến họ được nhiều cử tri ủng hộ, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh hậu thuẫn cho Công đảng.

Giờ đây, Công đảng đang nhấn vào thất bại của đảng Tự do, cho rằng chính phủ hiện nay thiếu quan tâm đến ngoại giao ở khu vực thái Bình Dương, cùng với vụ cho công ty Trung Quốc thuê cảng ở Darwin trong 99 năm.

Cuối tuần qua, ông Morrison tuyên bố rằng nếu Trung Quốc xây căn cứ ở quần đảo Solomon, Úc sẽ coi đó là “vạch đỏ”.

“Chúng tôi biết rằng Quần đảo Solomon quan trọng về chiến lược. Chúng tôi biết rằng trong Thế chiến 2, một trong những trận chiến dữ dội và quan trọng nhất xảy ra để tranh giành quyền kiểm soát Thái Bình Dương”, lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese nói sau khi Bắc Kinh xác nhận đã ký thỏa thuận với Quần đảo Solomon.

Đổi trọng tâm từ vấn đề chi phí sinh hoạt và việc làm, ngày 26/4, Công đảng công bố kế hoạch đẩy mạnh ngoại giao, thúc đẩy quyền lực mềm, giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho các đảo quốc Thái Bình Dương, đưa thỏa thuận của Quần đảo Solomon trở thành một tâm điểm của chiến dịch tranh cử.

“Người Úc hiểu đây là thời điểm rủi ro”, phát ngôn viên về đối ngoại của Công đảng Penny Wong nói với báo chí tại Darwin.

Ông Morrison khẳng định chính phủ đã làm nhiều việc mà bây giờ Công đảng mới nêu ra, trong đó có việc tham gia các khuôn khổ như AUKUS và Bộ tứ để “tạo nên đối trọng” với Trung Quốc ở khu vực.

“Họ đang chơi trò chính trị với Thái Bình Dương, và nhóm duy nhất hưởng lợi từ các cuộc tấn công của Công đảng vào chính phủ là Trung Quốc”, ông Morrison nói trong đợt vận động ở Queensland.

Ông Richard Maude, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Úc về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho rằng Công đảng và đảng Tự do đang “ném lựu đạn về nhau vì Trung Quốc”, nhưng lời hứa của Công đảng về việc tái đầu tư vào ngoại giao sẽ tạo nên khác biệt đáng kể về chính sách.

Một cuộc thăm dò dư luận do báo The Australian thực hiện trong tuần này cho thấy Công đảng đang dẫn trước liên minh Tự do – Quốc gia với tỷ lệ 53-47.

Ông John Blaxland, giáo sư về an ninh quốc tế tại ĐHQG Úc, cho rằng chính phủ của ông Morrison đã đưa Trung Quốc trở thành vấn đề ưu tiên khi vận động tranh cử, nhưng nay bị phản tác dụng.

“Tin tức từ Quần đảo Solomon sẽ làm giảm lợi thế của liên minh”, ông Blaxland nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ cảnh báo sẽ hành động nếu TQ lập căn cứ ở quần đảo Solomon

Một trong những quan chức cấp cao nhất của Mỹ ở quần đảo Solomon cho rằng, thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và đảo quốc Thái Bình Dương Solomon sẽ "có những tác động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN