Thoả thuận song phương với Pháp, Đức có phải cứu cánh cho Ukraine?
Đức và Pháp vừa ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, mang lại giải pháp tạm thời cho Kiev trong khi chờ đợi một ngày nào đó có cơ hội gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay sau khi ký thoả thuận an ninh ngày 16/2. (Ảnh: AP)
Ukraine ký hai hiệp ước mới với Đức và Pháp sau khi ký thoả thuận tương tự với Anh vào tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải đối mặt với tình thế đầy thách thức trên chiến trường.
Cả ba thỏa thuận đều bao gồm hỗ trợ quân sự hiện tại và phát triển năng lực phòng thủ trong tương lai cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky gọi đây là những thoả thuận “thực sự chưa từng có”.
Anh trở thành nước đầu tiên thực hiện tốt cam kết của G7 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius năm ngoái, với việc ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.
Nội dung của hiệp định nói đến nhiều khía cạnh, từ cung cấp vũ khí đến huấn luyện quân đội, tăng cường an ninh mạng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Thỏa thuận của Đức gần giống thỏa thuận của Anh, bao gồm cơ chế được kích hoạt nếu Nga tấn công Ukraine trong tương lai.
Khi đó, Kiev, Berlin và các quốc gia châu Âu khác sẽ tham gia tham vấn trong vòng 24 giờ kể từ khi cuộc tấn công nổ ra.
Tổng cộng có 25 quốc gia khác ngoài G7 cho biết họ sẽ ký thỏa thuận như vậy. Các thành viên G7 khác như Ý và Nhật Bản đang tiến gần thoả thuận, trong khi Thụy Điển và Na Uy cũng đang xúc tiến.
Khi cơ hội gia nhập NATO vẫn còn xa vời, Ukraine sẽ phải hài lòng với việc ký thỏa thuận song phương với từng thành viên của liên minh.
Tuy nhiên, hiệp ước phòng thủ xuyên Đại Tây Dương trở nên không vững chắc sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phát biểu gây hoài nghi về cam kết của Washington với liên minh.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đe dọa sẽ từ bỏ bất kỳ thành viên NATO nào không thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng nếu họ bị tấn công.
Colin Clarke, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Trung tâm Soufan, một tổ chức nghiên cứu về an ninh toàn cầu tại New York, cho rằng tốc độ ký kết thỏa thuận song phương trong những ngày qua cho thấy "Ukraine và một số nước châu Âu ngày càng lo ngại nguy cơ ông Trump đắc cử vào tháng 11 năm nay và có thể quyết định rút khỏi NATO".
Nhà nghiên cứu Ivan Klyszcz, công tác tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh quốc tế ở Estonia, cho rằng việc Ukraine gia nhập liên minh là điều Kiev mong muốn nhưng cũng gây chia rẽ trong NATO. Việc kết nạp “vẫn chưa được tính đến vì Ukraine chưa được mời tham gia", Klyszcz nói.
Ưu điểm và nhược điểm
Trong khi chờ đợi, các hiệp định song phương mà Ukraine vừa ký gửi đi một thông điệp quan trọng.
"Đối với Ukraine, nó báo hiệu sự cam kết. Đối với Nga, nó báo hiệu quyết tâm bảo đảm sự sống còn của Ukraine, đặc biệt là sau các chu kỳ bầu cử", ông Klyszcz nói.
Theo ông Pierre Razoux, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải ở Pháp, hiệp định song phương trở thành giải pháp thay thế cho các hiệp định đa phương đôi khi lộn xộn, vì chỉ một thành viên duy nhất đã có thể phủ quyết.
“Quan hệ song phương có vẻ mong manh hơn nhưng khó gây hoài nghi về tâm lý và chính trị, đặc biệt khi liên quan đến các hợp đồng vũ khí”, Razoux nói.
Các quốc gia có thể xây dựng mạng lưới với nhiều mối quan hệ an ninh đáp ứng nhu cầu cụ thể hơn là những hiệp định đa phương rườm rà.
Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương mà Ukraine có thể duy trì hay không vẫn là điều chưa chắc chắn.
Nhà nghiên cứu Sascha Ostanina tại Viện Jacques Delors ở Berlin cho rằng các hiệp định cũng chỉ là tuyên bố về ý định.
“Nếu ý chí chính trị biến mất thì sẽ không có cơ chế thực thi mạnh mẽ nào để ngăn chặn việc phá vỡ thỏa thuận”, bà nói.
Theo nhà nghiên cứu này, với thỏa thuận giữa Đức và Ukraine, hai bên có thể từ chối thỏa thuận sau 6 tháng thông báo, dù điều đó có thể gây tổn thất về danh tiếng, nhưng chúng thường bị hạn chế và mang tính ngắn hạn.
Ông Cui Heng, một học giả tại Thượng Hải, Trung Quốc, cho rằng châu Âu đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong hỗ trợ Ukraine: Việc cung cấp hỗ trợ đòi hỏi phải có cam kết tài chính đáng kể, nhưng đang có sự phản đối không nhỏ ở châu Âu. Giảm bớt viện trợ sẽ làm suy yếu hoàn toàn những điều chỉnh chính sách của châu Âu trong nhiều năm qua.
Ông Cui cũng cho rằng thỏa thuận an ninh mà Ukraine ký kết với các cường quốc châu Âu không mang tính ràng buộc.
"Bất kể tình hình sau này như thế nào, các cường quốc châu Âu sẽ không bị kéo vào xung đột. Ông Zelensky nhận được sự ủng hộ của các cường quốc châu Âu mà ông mong muốn, đạt được thoả thuận đôi bên cùng có lợi với tài liệu không có nhiều chất lượng”, ông Cui nói với Global Times.
Nguồn: [Link nguồn]
Một cựu Trợ lý của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, thực tế thời điểm này cho thấy xung đột ở Ukraine có thể được quyết định do tình hình ở Kiev chứ không phải do kết quả ở tiền tuyến.