Thỏa thuận khí đốt của Serbia với Nga khiến châu Âu “đau đầu”
Cuối tuần trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo nước này đã đạt thỏa thuận khí đốt mới có thời hạn 3 năm với tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Vucic tuyên bố Serbia đạt được thỏa thuận trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận trừng phạt một phần dầu mỏ của Nga.
Nhưng EU cũng cho phép Hungary Slovakia và CH Czech tiếp tục mua dầu của Nga. Đây được coi là sự nhượng bộ để các nước này đồng ý với gói trừng phạt thứ 6.
Serbia không phải là nước thành viên EU, nhưng là nhân tố quan trọng trong kế hoạch mở rộng của EU. EU muốn kết nạp thêm Serbia và một số quốc gia láng giềng của nước này.
Theo CNN, trong số các nước vùng Balkan, Serbia đóng vai trò quan trọng nhất nhờ diện tích, dân số và vị trí địa lý. Nếu muốn tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Bosnia và Kosovo, phương Tây không thể bỏ qua Serbia (nằm giữa Bosnia và Kosovo).
Tuy nhiên, Serbia đặc biệt phụ thuộc vào Nga trong vấn đề khí đốt. Quốc gia này cũng có mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga.
Nhìn chung, Serbia đang được hưởng lợi nhờ mối quan hệ với Nga, trong khi là quốc gia có vị thế quan trọng trong chiến lược mở rộng của EU. CNN đánh giá, ngay cả khi gia nhập EU, Serbia cũng không cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Nga.
Ở thời điểm hiện tại, Serbia vừa làm ăn với Nga, Trung Quốc, vừa hợp tác với EU, tùy thuộc vào các điều khoản cụ thể. Trong khi Serbia ủng hộ các nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nước này không áp đặt lệnh trừng phạt Moscow hay đứng về phía EU nhằm gây sức ép với Nga. Trong khi đó, EU mong muốn tất cả các ứng viên gia nhập đều nên thể hiện lập trường phản đối Nga.
Theo CNN, EU đánh giá Serbia đã đi quá xa khi ký thỏa thuận mua khí đốt của Nga với giá tốt nhất đối với một quốc gia châu Âu.
“Một khi Nga và Serbia ký kết hợp đồng, nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Nga trong khu vực sẽ bị suy giảm đáng kể”, Filip Ejdus, phó giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Belgrade, nói trên CNN.
“Serbia vẫn đang trên con đường gia nhập EU, nhưng mặt khác muốn EU đưa ra những đề nghị tốt hơn những gì phía Nga có thể đem lại cho nước này”, ông Ejdus nhận định.
Tuy nhiên, ông Ejdus cảnh báo “canh bạc mà Serbia theo đuổi có thể phản tác dụng. Bởi EU đang theo đuổi chiến lược trừng phạt Nga. Hành động của Serbia đang làm xói mòn lòng tin trong khối.
Theo CNN, thảo thuận khí đốt của Serbia với Nga là “viên kẹo đắng” mà giới chức EU buộc phải nuốt trôi nếu muốn lôi kéo Serbia gia nhập khối.
“Chúng tôi rất lo ngại”, một quan chức EU giấu tên nói trên CNN. “Các nước thành viên EU đang cố gắng giữ vững lập trường, trong khi sự liên kết bên ngoài EU trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.
“Các vấn đề hiện nay đe dọa sự thống nhất của EU, bởi vì nó liên quan đến cuộc thảo luận về việc khối có nên kết nạp thêm Ukraine hay không”, một nhà ngoại giao châu Âu nói.
Một số nước thành viên tỏ ý muốn đẩy nhanh tiến trình xem xét kết nạp Ukraine, trong khi trường hợp của Serbia nên chờ xem xét sau.
Một số nước khác không muốn cả Serbia và Ukraine gia nhập vì làm thay đổi sự cân bằng của EU.
Ở thời điểm hiện tại, tình cảnh hỗn loạn ở châu Âu tạo cơ hội cho Serbia. Quốc gia này vừa là mục tiêu lôi kéo của EU, vừa là đối tác gần gũi của Nga. CNN đánh giá, ông Vuvic có thể vẫn duy trì chiến lược quan hệ với cả hai bên để tối ưu hóa lợi ích.
Nhìn chung, chiến lược của Serbia có thể trở thành một vấn đề rất phức tạp cho các kế hoạch của EU trong tương lai, theo CNN.
Nguồn: [Link nguồn]
Serbia đã đạt thỏa thuận về hợp đồng cung cấp khí đốt mới có thời hạn 3 năm với Nga, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói.