Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố "sốc", trục xuất cùng lúc 10 đại sứ phương Tây
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 23-10 cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao trục xuất các đại sứ của Mỹ và 9 quốc gia phương Tây khác vì yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động Osman Kavala.
7 người trong số đó là đại sứ của các đồng minh NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ trục xuất, nếu diễn ra, sẽ gây rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong 19 năm cầm quyền của ông Erdogan.
Trước đó, trong một tuyên bố chung hôm 18-10, đại sứ 10 nước gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand và Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ có giải pháp công bằng và nhanh chóng đối với trường hợp của nhà hoạt động Kavala, đồng thời lập tức trả tự do cho ông.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập các đại sứ nói trên và gọi tuyên bố chung là vô trách nhiệm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu hôm 23-10. Ảnh: Reuters
Tổng thống Erdogan nói: "Tôi đã đưa ra những chỉ thị cần thiết cho bộ trưởng ngoại giao, yêu cầu xử lý vấn đề về 10 đại sứ bị xem là những người không được hoan nghênh càng sớm càng tốt. Họ sẽ phải giải quyết ngay lập tức. Các đại sứ phải biết và hiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày mà họ không còn hiểu Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lúc họ phải rời khỏi đây".
Đại sứ quán Mỹ và Pháp lẫn Nhà Trắng chưa bình luận về vụ việc. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã biết về thông tin nói trên và đang chờ xác thực từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Reuters, Na Uy cho hay đại sứ quán của họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu bộ phận truyền thông của Bộ Ngoại giao Na Uy Trude Maaseide cho rằng: "Đại sứ của chúng tôi đã không làm bất cứ điều gì đáng bị trục xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ và pháp quyền mà nước này đã cam kết theo Công ước Nhân quyền Châu Âu".
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào nhưng vẫn đang liên lạc với các đồng minh. Một nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết 10 quốc gia đang tham vấn với nhau.
Ông Kavala đã bị giam 4 năm vì bị cáo buộc tài trợ cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào năm 2013 và liên quan đến một cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016. Nhà hoạt động này bị giam giữ trong khi phiên xử ông vẫn tiếp diễn và phía ông đã phủ nhận các cáo buộc .
Trước đó, ông Kavala đã được tuyên trắng án vào năm ngoái về các cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình năm 2013 nhưng phán quyết đã bị đảo ngược trong năm nay và kết hợp với các cáo buộc liên quan đến âm mưu đảo chính.
Nhà hoạt động Kavala cho biết hôm 22-10 sẽ không tham dự phiên tòa nào nữa vì một phiên điều trần công bằng là không thể diễn ra sau những bình luận gần đây của Tổng thống Erdogan. Phiên xét xử tiếp theo dự kiến vào ngày 26-11.
Nguồn: [Link nguồn]
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ sớm chế tạo hệ thống phòng không như tên lửa S-400 mua của Nga.