Thổ Nhĩ Kỳ quyết cản Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO: Tổng thư ký NATO lên tiếng
Ngoài nêu quan điểm về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Tổng thư ký của khối quân sự này còn nói rõ tư cách của 2 quốc gia vùng Scandinavia trong cuộc họp thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6 tới.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AA
Theo hãng thông tấn Anadolu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 26/5 bày tỏ sự đồng cảm với những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO. Đồng thời, ông Stoltenberg còn nói thêm rằng Ankara là "thành viên và đồng minh rất quan trọng" của khối quân sự này.
"Khi một đồng minh nêu ra vấn đề, chúng ta phải giải quyết vấn đề đó. Đó là cách làm của NATO", ông Stoltenberg nói với truyền thông khi đang ở Tây Ban Nha. Tổng thư ký NATO còn nhắc lại chuyện Bắc Macedonia từng bị Hy Lạp, nước thành viên của NATO, phủ quyết khiến nước này phải mất hơn 10 năm mới có thể gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
"Không quốc gia nào phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ", ông Stoltenberg nói. "Chúng ta nói về người Kurd, nhưng phải chấp nhận thực tế rằng, có một số nhóm người Kurd, trong đó có đảng Công nhân người Kurd (PKK), nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của EU".
Tổng thư ký NATO cũng nói rõ về tư cách tham dự của Phần Lan và Thụy Điển trong hội nghị thượng đỉnh của NATO vào cuối tháng 6. Theo ông Stoltenberg, 2 quốc gia vùng Scandinavia sẽ tham gia với tư cách khách mời. Nếu muốn dự họp với tư cách ứng viên gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển phải giải quyết và đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày 26/8.
Tuần trước, Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Quyết định này được thúc đẩy kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên lâu năm của NATO - lên tiếng phản đối việc này, chỉ trích 2 quốc gia vùng Scandinavia dung túng cho các nhóm mà Ankara cho là khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ nói đã đưa ra yêu cầu rõ ràng, Phần Lan và Thụy Điển cần phải đồng ý với các yêu càu này để Ankara tán thành cho hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh NATO.
Nguồn: [Link nguồn]