Thổ Nhĩ Kỳ "phát tín hiệu" với Phần Lan, nói Thụy Điển "sẽ sốc"
Phát biểu mới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Thụy Điển gia tăng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan, nổi tiếng với các phát ngôn cứng rắn (ảnh: Reuters)
“Chúng tôi có thể gửi cho Phần Lan một thông điệp khác và Thụy Điển sẽ bị sốc về điều này. Chỉ cần Phần Lan không mắc sai lầm như Thụy Điển”, ông Erdogan nói về vấn đề chấp thuận cho Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO với các cử tri trẻ tuổi hôm 29/1.
Bài phát biểu của ông Erdogan được phát trên sóng truyền hình.
Năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Đến nay, chỉ còn 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê duyệt đơn của Phần Lan và Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc, Thụy Điển là nơi trú ẩn của nhiều thành viên thuộc đảng Công nhân Kurd (PKK). PKK tổ chức cuộc nổi dậy của người Kurd nhằm chống Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984 và bị Ankara coi là khủng bố.
“Chúng tôi đã gửi cho Thụy Điển danh sách 120 người và yêu cầu họ dẫn độ những kẻ khủng bố tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thụy Điển không làm theo, thì xin lỗi về điều đó”, ông Erdogan nói.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán về vấn đề gia nhập NATO với Thụy Điển và Phần Lan. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển rơi vào căng thẳng sau vụ một chính trị gia Thụy Điển đốt kinh Koran (cuốn kinh thiêng liêng của đạo Hồi) trong cuộc biểu tình ở Stockholm (hôm 21/1). Vụ việc xảy ra ngay trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 26/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, đề nghị khôi phục lại đàm phán gia nhập NATO của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson là “vô nghĩa”.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/1 đã cảnh báo công dân ở Mỹ, châu Âu, tránh xa các cuộc biểu tình và bình tĩnh trước các hành vi bài ngoại, phân biệt chủng tộc và bài đạo Hồi. Thụy Điển và một số nước như Mỹ, Đức, Pháp và Italia cũng cảnh báo công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ chú ý giữ an toàn.
Phản ứng trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục xảy ra các vụ đốt kinh Koran ở một số nước châu Âu như Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch. Khoảng 99% người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi.
Cùng ngày 28/1, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom thông báo, tiến trình gia nhập NATO của nước này đã tạm dừng. Tuy nhiên, Stockholm vẫn không từ bỏ mục tiêu gia nhập khối quân sự lớn nhất thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển cần hoàn thành các yêu cầu của Ankara trước tháng 5 để được phê chuẩn gia nhập NATO.
Nguồn: [Link nguồn]