Thổ Nhĩ Kỳ “nhắc nhở” Phần Lan và Thụy Điển
Thổ Nhĩ Kỳ nói đã đưa ra yêu cầu rõ ràng, Phần Lan và Thụy Điển cần phải đồng ý với các yêu càu này để Ankara tán thành cho hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh NATO.
Phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara vào ngày 25.5.
Phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan ngày 25.5 đã có mặt ở Ankara để đàm phán về vấn đề hai nước này mong muốn gia nhập NATO.
Cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ sau khi Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tuần trước. Theo quy định, toàn bộ 30 nước thành viên, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, phải tán thành thì NATO mới có thể kết nạp hai thành viên mới.
Sau cuộc đàm phán, phát ngôn viên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói Ankara chưa đồng ý cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, đến khi nào “các mối quan ngại an ninh rõ ràng” của nước này được đáp ứng, bao gồm vấn đề khủng bố và các lệnh cấm vận vũ khí.
“Họ nói rằng đã hiểu những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi sẽ chờ xem họ sẽ làm gì", ông Kalin nói. “NATO là liên minh an ninh, nên các vấn đề an ninh của thành viên cần phải được giải quyết công bằng và thỏa đáng”.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với nước này. Ankara cũng gửi yêu cầu dẫn độ một số cá nhân mà nước này coi là “khủng bố”, hiện đang ẩn náu ở hai quốc gia Bắc Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu hai nước Bắc Âu không chứa chấp các thành viên của lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Vài ngày trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói Ankara sẽ sớm mở chiến dịch quân sự mới, truy quét người Kurd ở phía đông bắc Syria.
Ankara cáo buộc Thụy Điển cung cấp cho người Kurd các vũ khí chống tăng, được sử dụng để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan nói sẽ quay về nước và thảo luận về những yêu cầu mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.
Các lãnh đạo NATO sẽ nhóm họp vào cuối tháng tới tại Tây Ban Nha để thảo luận về một số vấn đề, trong đó có đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng ông Kalin nói Thổ Nhĩ Kỳ “không chịu áp lực thời gian” để đạt thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan.
Nguồn: [Link nguồn]
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đưa quân tiến vào lãnh thổ Syria nhằm truy quét lực lượng người Kurd, với mục tiêu thiết lập vùng “an toàn” sâu 30km.