Thổ Nhĩ Kỳ nắm lá bài có thể gây ảnh hưởng nặng tới Nga

Bằng việc bóp nghẹt hai "huyết mạch trên biển", Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới các lực lượng Nga đang hoạt động tại Syria.

Thông tin Thổ Nhĩ Kỳ mấy ngày gần đây giam chân các tàu Nga tại eo biển Bosphorus nối liền Biển Đen với Địa Trung Hải đang làm dấy lên nhiều quan ngại sẽ “thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và Moscow ngày càng leo thang.

Ngay sau khi máy bay Nga Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khi đang tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria, Moscow lập tức tuyên bố triển khai hệ thống phòng không S-400 tối tân tới căn cứ không quân Hmeymim tại đất nước Trung Đông. Điện Kremlin cũng đang cân nhắc kế hoạch điều thêm hàng loạt chiến đấu cơ tới Syria để bảo vệ phi đội máy bay ném bom tại đây.

Trong những tháng gần đây, các trang thiết bị quân sự hạng nặng của Nga được vận chuyển tới Syria chủ yếu bằng đường biển, trong đó, tuyến đường ngắn nhất là thông qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Do đó, Bosphorus và Dardanelles được xem là đóng vai trò chiến lược trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ nắm lá bài có thể gây ảnh hưởng nặng tới Nga - 1

Bản đồ mô tả hai eo biển chiến lược Bosporus và Dardanelles.

Tuy nhiên, theo trang globalresearch.ca của Trung tâm nghiên cứu về Toàn cầu hóa, có dấu hiệu chứng tỏ Thổ Nhĩ Kỳ đang chặn và “giam chân” các tàu hải quân Nga đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles, giữa Biển Đen và Địa Trung Hải.

Trang này dẫn Hệ thống tự động nhận dạng AIS chuyên theo dõi hoạt động của các tàu thuyền trên biển cho hay, hiện chỉ có các tàu Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển trên eo biển Bosphorus, trong khi đó, tại eo biển Dardanelles không ghi nhận hoạt động của bất cứ tàu chiến nào.

Cùng thời điểm đó, ở cả Biển Đen và biển Địa Trung Hải, có một nhóm tàu cắm cờ Nga, đang nằm im lìm chờ đợi. Ngoài ra, cũng không có tàu Nga nào di chuyển từ Novorossiisk và Sevastopol đi vào trong Biển Đen theo tuyến đường thông qua eo biển Bosphorus.

Trước đó, CNN cũng đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã phong tỏa eo biển Bosphorus và Dardanelles, cấm cửa tàu Nga. Những dấu hiệu mà globalresearch.ca cung cấp càng củng cố cho việc này.

Nếu thông tin được xác nhận, đây sẽ là “đòn trả đũa” đầu tiên của Ankara sau khi Moscow tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ vì bắn hạ máy bay Nga Su-24 gần biên giới Syria.

Nếu Ankara phong tỏa hai eo biển này, cấm cửa các tàu Nga, con đường tiếp tế và chi viện trọng yếu cho các lực lượng Nga đang hoạt động tại Syria của Moscow sẽ bị tê liệt.

Ngoài ra, mọi hoạt động của Hạm đội Biển Đen của Nga trên Biển Đen và Địa Trung Hải cũng sẽ bị đóng băng. Theo đó, các tàu chiến của hạm đội này sẽ không thể đi lại tự do trên các vùng biển trong phạm vi hoạt động từ Biển Đen tới Địa Trung Hải và sẽ phải nằm im trong căn cứ.

Thổ Nhĩ Kỳ nắm lá bài có thể gây ảnh hưởng nặng tới Nga - 2

Tàu chiến của Hạm đội Biển Đen ở căn cứ Sevastopol.

Cuối cùng, việc đóng cửa eo biển Bosphorus chắc chắn cũng sẽ bị xem là hành động tuyên chiến chống lại Nga. Và kịch bản tiềm năng tiếp theo là chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ.

Theo chuyên gia pháp lý, kiêm luật sự Nga Vladimir Morkovkin, đứng trên góc độ luật pháp, tại thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không có quyền đơn phương đóng cửa eo biển Bosphorus, gây trở ngại đối với các tàu chở hàng, bao gồm hàng hóa quân sự của Nga đi vào eo biển này.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể cấm cửa các tàu chiến thù địch đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles trong bối cảnh nước này có chiến tranh, theo Hiệp ước Montreux về việc sử dụng các tuyến đường thủy của các quốc gia trên thế giới.

Hiệp ước ký năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles cũng như sự di chuyển của các tàu hải quân tại đây. Đi kèm với đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do hàng hải của các tàu dân sự trong thời bình. Nước này chỉ có quyền phong tỏa các eo biển trong trường hợp nước này đang có chiến tranh.

Tuy nhiên, sau đó, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chống lại việc đóng cửa eo biển và được 2/3 số thành viên ủng hộ, các eo biển sẽ được mở cửa trở lại.

Trước đó, sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Ankara từng có nhiều nỗ lực để tăng cường kiểm soát đối với eo biển Bosphorus và Dardanelles. Năm 1982, Thổ Nhĩ Kỳ từng có kế hoạch mở rộng cảng Istanbul ra toàn bộ diện tích của các eo biển này. Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nước láng giềng, buộc Ankara phải hủy bỏ ý định trên.

Cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, Đô đốc Viktor Kravchenko hồi tuần trước nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể phong tỏa eo biển Bosphorus và Dardanelles, cấm các tàu Nga.

Vị Đô đốc tuyên bố, ngay cả trong thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, bất chấp sức ép từ phía Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuân thủ quy chế trung lập, không đóng cửa eo biển Bosporus và Dardanelles. Do đó, hiện Thổ Nhĩ Kỳ càng không có cơ sở nào để đóng cửa các eo biển này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (theo Global Research) ([Tên nguồn])
Tình hình Nga và Thổ Nhĩ Kỳ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN