Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích NATO
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, trong khi Ankara cố gắng thúc đẩy đàm phán để chấm dứt xung đột Nga – Ukraine, một số thành viên khác của NATO lại chỉ muốn kéo dài.
Ông Mevlut Cavusoglu – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: AP)
“Có một số nước thành viên NATO mong muốn cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn. Họ nghĩ rằng điều đó có thể khiến nước Nga suy yếu. Họ không quan tâm đến tình hình ở Ukraine”, Mevlut Cavusoglu – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ – nói với CNN và từ chối đưa ra một cái tên cụ thể.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố cuộc xung đột ở Ukraine có thể tiếp diễn trong thời gian dài. Mỹ là nước thành viên NATO tích cực nhất khối trong việc gửi vũ khí tới Ukraine.
Hôm 19.4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, phương Tây sẽ đoàn kết và “không cho phép Nga thắng” trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Olaf Scholz nhấn mạnh, NATO sẽ tiếp tục trang bị vũ khí để giúp Ukraine tự vệ trước quân đội Nga.
Trả lời phỏng vấn của CNN, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết, nước này kiên quyết không tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do Mỹ dẫn đầu.
“Chúng được áp đặt một cách đơn phương, không giống như các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đưa ra. Chúng tôi đã nêu rõ quan điểm kể từ ngày đầu tiên xảy ra xung đột ở Ukraine. Đó là thúc đẩy các cuộc đàm phán với tư cách là quốc gia mà cả 2 bên đều có thể tin cậy”, ông Cavusoglu nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, nước này “kỳ vọng lớn” sau cuộc đàm phán Nga – Ukraine ở Istanbul hôm 29.3. Tuy nhiên, Ukraine sau đó đã thay đổi các thỏa thuận với lý do quân đội Nga có “hành vi tàn bạo ở Bucha”. Moscow phủ nhận cáo buộc này.
Nhiều nước phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine khi Nga chuyển hướng chiến dịch sang Donbass (ảnh: CNN)
Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, với tư cách là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận việc Ukraine tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ khối quân sự này.
“Không ai đồng ý với yêu cầu của Tổng thống Ukraine Zelensky về việc viện dẫn điều 5 của NATO. Mỹ, Anh và Canada không chấp nhận. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không chấp nhận”, ông Cavusoglu nói.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine, Lithuania – nước thành viên NATO – tuyên bố mới chuyển cho Kiev lô vũ khí trị giá hàng chục triệu USD.
“Chúng tôi đã viện trợ quân sự cho Ukraine. Chúng tôi gửi tới những khẩu súng cối hạng nặng. Chúng tôi sẽ không nêu cụ thể số lượng, nhưng giá trị của chúng lên tới hàng chục triệu USD”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania – ông Arvydas Anusauskas – nói với Baltic News Service hôm 21.4.
Ông Arvydas Anusauskas cũng cho biết, Lithuania thường xuyên gửi cho Ukraine vũ khí và đạn dược.
“Rất khó để liệt kê tất cả mọi thứ. Khoảng một tháng trước, chúng tôi gửi khoảng 35 loại vũ khí. Trong đó không chỉ có hệ thống tên lửa Stinger mà còn có vũ khí phòng không và chống tăng khác. Chúng tôi cũng gửi tới lựu đạn, súng máy, súng trường tự động và thiết bị liên lạc”, ông Arvydas Anusauskas nói.
Không chỉ ở NATO, phản ứng của nhiều nước châu Âu về xung đột Nga – Ukraine cũng trái ngược.
Hôm 21.4, Bộ trưởng Nội vụ Serbia – ông Aleksandar Vulin – cho biết, nước này đang cân nhắc lại việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) khi bị thúc giục trừng phạt Nga.
“Nước Nga là bạn của chúng ta”, ông Aleksandar Vulin nói trước quốc hội.
“Chúng ta là một đất nước lâu đời, có bề dày lịch sử và biết lựa chọn bạn bè của mình”, ông Aleksandar Vulin nói và lưu ý, Serbia đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau gần 60 ngày bị Nga tấn công và bao vây, các lực lượng Ukraine ở Mariupol đang cố thủ trong các đường hầm chằng chịt bên dưới nhà máy thép khổng lồ Azovtal. Đây được xem...