Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Thụy Điển: Sắp hết thời gian

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển cần hoàn thành các yêu cầu của Ankara trước tháng 5 để được phê chuẩn gia nhập NATO.

Ông Ibrahim Kalin – phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: RT)

Ông Ibrahim Kalin – phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: RT)

“Chúng tôi chưa thể gửi dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét”, Ibrahim Kalin – phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – nói trong cuộc họp báo hôm 14/1 ở Istanbul.

Theo ông Kalin, việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc Stockholm sẽ thực hiện nhanh đến mức nào những cam kết chống khủng bố đã ký kết với Ankara.

Hồi tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nhận được sự ủng hộ của Ankara về việc gia nhập NATO. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan chống lại những tổ chức mà Ankara coi là khủng bố, đặc biệt là đảng Công nhân Kurd (PKK).

“Thụy Điển cam kết thực hiện thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái ở Madrid, nhưng nước này lại cần thêm 6 tháng nữa để ban hành luật mới nhằm định nghĩa lại về khủng bố”, ông Kalin nói.

“Chúng tôi cũng gặp vấn đề về thời gian, nếu Thụy Điển muốn gia nhập NATO trước hội nghị thượng đỉnh của khối họp vào tháng 6 tới”, ông Kalin nói và đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ sắp tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội.

“Quốc hội Thổ Nhĩ sẽ tạm nghỉ một thời gian trước bầu cử. Vì vậy, chỉ còn từ 2 – 2,5 tháng để Thụy Điển thực hiện tất cả cam kết”, ông Kalin cảnh báo về thời hạn.

Hiện đã có 28/30 nước thành viên NATO thông qua đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Hungary cho biết, nước này dự kiến sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan vào tháng 2/2023, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chưa ấn định thời điểm. 

Theo ông Kalin, chính phủ Thụy Điển cần gửi thông điệp rõ ràng tới các “tổ chức khủng bố” rằng, “Thụy Điển không còn là nơi trú ẩn an toàn cho chúng và chúng sẽ không thể có thêm kinh phí, tuyển dụng thành viên và hoạt động”.

Hôm 8/1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristerss tuyên bố, nước này sẽ không đáp ứng tất cả điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra. Ông Ulf Kristerss cho rằng Ankara “đòi hỏi quá nhiều”.

Hôm 12/1, hình nộm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bị người biểu tình treo ngược ở Stockholm. Vụ việc gây thêm căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước trong khi các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra.

Ông Kristerss cho rằng, vụ việc này là “cực kỳ nghiêm trọng” và coi đó là hành động phá hoại kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển.

Thụy Điển ”nổi cáu” với Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi hỏi quá nhiều, bất chấp Thụy Điển đã nhiều lần nhượng bộ, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỐC NAM – Aljazeera ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN