Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo 'hậu quả thảm khốc' từ các lệnh trừng phạt Nga

Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ - Alparslan Bayraktar cho biết việc Mỹ quyết định cắt nhập khẩu dầu từ Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu.

“Sẽ rất khó để thay thế dầu Nga trên thị trường toàn cầu. Nga là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới”, ông Bayraktar phát biểu tại một hội nghị năng lượng quốc tế ở Houston (bang Texas, Mỹ).

Theo Thứ trưởng Bayraktar, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra nên việc tăng sản lượng dầu là cần thiết. Tuy nhiên, Mỹ lại làm điều ngược lại.

Hôm 8/3, trong một nỗ lực nhắm vào “huyết mạch của nền kinh tế Nga”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của Mátxcơva ở Ukraine.

“Chúng tôi đang cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng của Nga. Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không còn được nhập vào các cảng của Mỹ”, ông Biden giải thích.

Tình trạng lạm phát và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá xăng ở Mỹ tăng vọt, lên tới 5 USD/gallon. Lệnh cấm mới đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, vốn chiếm 8% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, có thể sẽ khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Khi được phóng viên hỏi rằng người Mỹ nên làm gì để đối phó với việc giá nhiên liệu tăng, Tổng thống Biden nói: “Không thể làm gì nhiều lúc này. Nga phải chịu trách nhiệm.”

Khác với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn chưa có kế hoạch cắt nhập khẩu dầu Nga. Trước đó hồi đầu tuần, Mátxcơva cảnh báo giá dầu có thể lên đến hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và EU cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Châu Âu tiêu thụ khoảng 500 triệu tấn dầu mỗi năm. Nga cung cấp khoảng 30% trong số đó, tương đương 150 triệu tấn, cùng với 80 triệu tấn hóa dầu.

Nền kinh tế Nga hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Hàng loạt nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm làm tê liệt hệ thống tài chính và các doanh nghiệp của Nga, sau khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt chủ yếu nhắm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng của Nga. Trước động thái của các chính phủ phương Tây, nhiều tập đoàn quốc tế cũng đã thông báo quyết định rời khỏi thị trường Nga.

Phát biểu ngày 9/3, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế (Bộ Ngoại giao Nga) - ông Dmitry Birichevsky cho biết Nga hiện đang nghiên cứu các biện pháp đáp trả về kinh tế. Mátxcơva sẽ phản ứng nhanh gọn và hiệu quả nhằm vào những lĩnh vực nhạy cảm của phương Tây. Tuy nhiên, ông Dmitry Birichevsky khẳng định Mátxcơva không có ý định từ bỏ vị thế là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu.

Ông Dmitry Birichevsky nhấn mạnh Mátxcơva sẵn sàng khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chứng minh rằng các biện pháp hạn chế thương mại mà phương Tây áp dụng là vi phạm các quy định và nguyên tắc của WTO.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm nền kinh tế thế giới thêm trì trệ.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia có vị thế đặc biệt, có thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine

Vai trò của NATO, Trung Quốc và Mỹ được nhắc đến nhiều trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng có một quốc gia với vị thế đặc biệt, sở hữu lực lượng quân sự lớn thứ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN