Thợ lặn tiết lộ tình tiết đáng sợ khi giải cứu đội bóng Thái Lan
Một thiếu tá Mỹ cho biết ông đã nghĩ khoảng 5 người sẽ chết trong vụ giải cứu.
Các thợ lặn tham gia quá trình tìm kiếm và giải cứu đội bóng Thái Lan
Các thợ lặn tham gia giải cứu 12 cậu bé Thái Lan và huấn luyện viên từ một hang động ngập nước vừa tiết lộ những chi tiết đáng sợ về cuộc giải cứu nguy hiểm, tờ news.com.au đưa tin.
Một nhóm gồm hơn 150 người cùng nhau giải cứu đội bóng khỏi hang Tham Luang, hệ thống hang động đá vôi dài 10 km.
Các chi tiết mới về cuộc giải cứu vừa được tiết lộ trên chương trình Four Corners của đài ABC Úc vào tối 16.7.
"Đó là một trong những điều khó khăn và nguy hiểm nhất tôi từng làm, không phải về mặt an toàn của cá nhân tôi, mà về những người tôi chịu trách nhiệm", thợ lặn hang động người Anh Jason Mallinson nói trên ABC TV.
“Tôi chưa bao giờ làm điều gì nguy hiểm như vậy và tôi không nghĩ mình sẽ làm lại điều này. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất chúng tôi có, và chúng tôi nắm bắt lấy nó”.
Mallinson là thợ lặn được giao nhiệm vụ đưa các cậu bé qua một số đoạn ngập nước nguy hiểm nhất, tối tăm đến mức không nhìn thấy gì.
"Khả năng thành công là rất thấp", Thiếu tá Mỹ Charles Hodges nói. “Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ phải chấp nhận thương vong. Có lẽ 3, 4, hoặc 5 người sẽ chết”.
Các thành viên đội bóng tưởng nhớ đến một thợ lặn tử vong trong quá trình tìm kiếm
Các chuyên gia người Anh chịu trách nhiệm đưa đội bóng qua những điểm phức tạp nhất, sử dụng dây để giúp các cậu bé định hướng.
“Chúng tôi phải lặn cùng các cậu bé. Tùy thuộc vào sợi dây, chúng tôi kéo các em sang bên phải hoặc trái, giữ lưng hoặc ngực các em”, Mallinson kể.
Thợ lặn nói quá trình này rất "mệt mỏi về tinh thần", đặc biệt là vào ngày cuối cùng khi mọi thứ rất tối.
"Tôi phải giữ các cậu bé rất gần mình vì nếu không, đầu của các em có thể đập vào đá", ông nói.
“Nếu chúng tôi để đầu của cậu bé đập quá mạnh vào đá, mặt nạ có thể rơi ra khiến nước tràn vào… Đó là lý do tại sao chúng tôi phải rất chậm và cẩn thận về việc không để họ đập đầu vào đá”.
Thay vào đó, Mallinson cho biết ông phải hướng đầu lên trên để đầu mình chạm vào đá.
"Tầm nhìn rất hạn chế, bạn không thể nhìn thấy đá cho đến khi bạn thực sự chạm vào nó", ông nói. "Tôi tự tin mình có thể đưa bản thân ra ngoài, tôi tự tin mình sẽ kiểm soát được sợi dây, tôi tự tin đưa được các cậu bé ra. Nhưng tôi không tự tin 100% rằng các cậu bé sẽ sống sót”.
Quyết định giải cứu đội bóng bằng cách lặn là phương sách cuối cùng. Thiếu tá Hodges cho biết nếu họ đợi hết mùa mưa, các cậu bé sẽ phải chờ từ 4 đến 5 tháng.
"Giả dụ mỗi ngày họ ăn một bữa, họ sẽ cần tổng cộng khoảng 1800 bữa ăn", ông nói.
“Không có đủ chỗ trong hang để đưa 1800 bữa ăn vào. Đó sẽ là 18 nhiệm vụ lặn riêng biệt. Chúng tôi biết rằng đây không phải một lựa chọn vì mưa sẽ đến trước khi chúng tôi có thể thực hiện tất cả những điều đó”.
Nhiều phương pháp giải cứu khác cũng được đề xuất, bao gồm khoan hang động, nhưng phương pháp lặn cuối cùng đã được quyết định là lựa chọn tốt nhất.
"Chúng tôi vô cùng vui mừng vì đây là câu chuyện có hậu, chúng tôi có thể đưa các cậu bé về với cha mẹ, và đó là những gì quan trọng trong tâm trí của tôi", Thiếu tá Hodges nói.
Mặc dù không có gì ăn khi mắc kẹt trong hang, đội bóng Thái Lan vẫn nỗ lực hết mình để tìm đường ra, theo một thợ...