Vụ giải cứu đội bóng nhí Thái Lan: Thợ lặn Anh lần đầu hé lộ bí mật rợn người
Theo 2 thợ lặn Anh, ý tưởng giải cứu đội bóng nhí Thái Lan của họ mạo hiểm tới mức, chính phủ Anh phải lên sẵn kế hoạch để bảo vệ tính mạng cho cả 2 nếu điều không may xảy ra với đội bóng nhí.
Thợ lặn Rick Stanton (phải) và đồng nghiệp John Volanthen. Ảnh: The Sun
Theo The Sun, 2 thợ lặn Rick Stanton và John Volanthen đã nhận được huy chương George vì giải cứu 12 thành viên đội bóng nhí "Lợn Rừng" và huấn luyện viên - những người mắc kẹt hơn 2 tuần trong hang động Tham Luang, đông bắc Thái Lan, vì lũ dâng cao ngày 23/6/2018.
Hôm 25/10, bộ đôi Rick và John lần đầu tiên kể về sự mạo hiểm của kế hoạch mà họ đưa ra nhằm giải cứu đội bóng nhí Thái Lan cùng huấn luyện viên. Theo bộ đôi này, kế hoạch giải cứu mạo hiểm tới mức chính phủ Anh phải có kế hoạch bảo vệ an toàn cho cả 2 nếu mọi chuyện không như ý muốn.
Trước khi bắt tay vào giải cứu, ông Rick và ông John đã đưa ra một kế hoạch liều lĩnh là cho các thành viên đội bóng "Lợn Rừng" sử dụng thuốc gây mê ketamine, nhằm tránh gây hoảng loạn cho các thiếu niên trong hành trình đầy rủi ro kéo dài 2 tiếng rưỡi ở dưới nước.
Nhưng bộ đôi thợ lặn người Anh cũng được cảnh báo rằng, nếu bất kỳ ai trong số những người cần giải cứu chết vì ketamine, Rick và John có thể sẽ bị bắt giữ hoặc đối mặt với sự phẫn nộ của người dân địa phương.
Nhiều người Thái Lan hoài nghi về kế hoạch liều lĩnh của 2 thợ lặn Anh. Ngay cả bác sĩ có mặt lúc đó tại hang động cũng cho rằng, ketamine có thể gây tử vong cho các thiếu niên đội bóng "Lợn Rừng".
Nhưng Rick và John vẫn tin rằng, tình hình khi đó rất tồi tệ và chỉ còn cách đó mới có thể đưa người ra ngoài.
Trong một bài phỏng vấn, John, 50 tuổi, nói: "Rủi ro với chúng tôi khi đó là cả 2 có thể bị bắt giữ hoặc bị người dân địa phương xem là những kẻ xấu và phải tự giải quyết hậu quả. Với chúng tôi, rủi ro luôn luôn tồn tại, nhất là trong nghề lặn ở hang động. Nhưng nếu không làm gì thì các thành viên đội bóng nhí và huấn luyện viên của chúng cũng sẽ chết".
Theo bộ đôi thợ lặn Anh, một khó khăn khiến họ phải tạm dừng công việc giải cứu lúc đó là việc mùa mưa đến sớm một tháng. Mưa lớn và kéo dài tạo ra dòng chảy mạnh ở trong hang Tham Luang. Dòng chảy mạnh tới mức, các thợ lặn, gồm cả John và Rick, đều không thể lặn dưới hang ngập nước trong vài ngày.
Khi dòng chảy yếu đi, Rick cho biết: "Chúng tôi lúc đó phải dùng các đầu ngón tay bám vào đáy cát để di chuyển. Các ngón tay và mu bàn tay của chúng tôi đầy những vết trầy xước".
Mô phỏng mặt cắt hang Tham Luang. Ảnh đã Việt hóa từ ảnh gốc của The Sun
John và Rick chỉ có thể lần mò đường đi thông qua một sợi dây thừng vì tầm nhìn ở trong hang động rất kém. Các thợ lặn Anh thậm chí còn không thể nhìn thấy ánh sáng ở khoảng cách 10 cm.
Trong lần thăm dò ban đầu, 2 thợ lặn Anh tưởng rằng đã tìm thấy đội bóng nhí mắc kẹt nhưng thực tế, họ chỉ tìm thấy 4 người chạy máy bơm bị mắc kẹt. Nhiều người bên ngoài thậm chí còn không hề biết rằng 4 người này bị mắc kẹt.
Khi nước tiếp tục dâng cao, Rick và John bắt đầu mất hy vọng. Bộ đôi thợ lặn còn bắt đầu hỏi về việc đặt vé máy bay trở về Anh vì họ nghĩ không còn cơ hội nào cho những người mắc kẹt.
"Chúng tôi không biết nước sẽ rút đi như thế nào. Chúng tôi đã sai. Nhưng may mắn thay lúc đó mưa đã tạnh", ông Rick nói.
Ngày 2/7/2018 - 9 ngày kể từ khi đội bóng "Lợn Rừng" mất tích - 2 thợ lặn Anh đã di chuyển được 4 km vào sâu bên trong hang động. Khi trồi lên, họ phát hiện có dấu hiệu của con người.
Ông John kể lại: "Trong tích tắc khi ngửi thấy mùi hôi thối trong hang, chúng tôi biết có người ở đó. Nhưng cả tôi và Rick đều lo sợ điều xấu nhất đã xảy ra. Chúng tôi nghĩ đó là mùi tử khí".
Sau đó, khi thấy các thành viên đội bóng nhí vẫn còn sống và ngồi trên một mỏm đá, ông John liên tục thốt lên: "Tin tưởng, tin tưởng".
Ông John kể lại: "Khi đó, tôi thực sự phải tự nói chuyện bởi chưa thể tin vào điều mình nhìn thấy trước mắt. Thật không thể tin nổi".
Việc tìm thấy các thành viên đội bóng trong hang đã khó nhưng việc đưa họ ra ngoài hang an toàn còn khó hơn gấp bội.
Thiết bị của ông Rick khi đó ghi nhận nồng độ oxy trong hang thấp hơn 3% so với mức được coi là tối thiểu để duy trì sự sống của con người. Và khi mùa mưa bắt đầu, sẽ không có cách nào để bơi ra khỏi hang.
Điều này đã được chứng minh khi 4 lính đặc nhiệm SEAL của Thái Lan, mang theo lương thực cho đội bóng nhí, cũng bị mắc kẹt.
Bên ngoài hang động, một nhóm gồm 6 người, bao gồm cả bác sĩ người Úc Richard Harris, được tập hợp. Nhóm này cùng các đặc nhiệm SEAL Thái Lan và 2 thợ lặn John, Rick phối hợp đưa 4 thiếu niên ra ngoài/ngày, đồng thời dự kiến làm việc trong 3 ngày liên tiếp để hoàn thành nhiệm vụ giải cứu. Ngoài thành viên đội bóng "Lợn Rừng" và huấn luyện viên, trong hang lúc đó còn có 4 lính đặc nhiệm SEAL
Bộ đôi thợ lặn người Anh chứng kiến một số đặc nhiệm SEAL Thái Lan gặp khó khăn do hoảng loạn khi lặn thử ra ngoài trong vài phút. Vì vậy, họ cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu đưa các thiếu niên vẫn còn tỉnh táo ra ngoài theo cách đó trong hơn 2 tiếng.
Khi ông Rick nói với bác sĩ Harris về kế hoạch muốn gây mê các thiếu niên đội bóng, bác sĩ nhắn lại rằng: "Đó không phải là cách giải quyết".
Sau khi bị thuyết phục, bác sĩ người Úc vẫn muốn được đảm bảo quyền miễn trừ bị truy tố vì chính ông là người tiêm thuốc gây mê cho các thiếu niên.
3 trong 4 thiếu niên đầu tiên ra ngoài suôn sẻ, nhưng thiếu niên còn lại đi cùng Rick có dấu hiệu khó thở và tím tái. Sau khi được hô hấp nhân tạo, thiếu niên này đã tỉnh lại.
Sau khi toàn bộ thành viên đội bóng được đưa ra ngoài an toàn, John cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải đối diện với bố mẹ các thiếu niên và nói ra câu: "Xin lỗi vì sự mất mát này".
Nguồn: [Link nguồn]
Hang Tham Luang ở Thái Lan, vốn nổi tiếng nơi là nơi giải cứu thành công 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên bị mắc kẹt...