Thiếu sót trong chống dịch Covid-19 ở Italia để lại bài học cho thế giới
Kinh nghiệm chống dịch Covid-19 từ Italia cho thấy, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của các nước cần phải được thực hiện từ sớm hơn, rõ ràng hơn và nghiêm ngặt hơn.
Khi các ca nhiễm Covid-19 lên đến 400 trường hợp tại Italia, ông Nicola Zingaretti đã đăng một bức hình lên mạng xã hội và kêu gọi người dân không cần thay đổi những thói quen xã hội (bắt tay, hôn má).
Chưa đầy 10 ngày, trong một đoạn video khác đăng trên trên mạng xã hội, ông Nicola Zingaretti xác nhận, mình đã nhiễm Covid-19. Đây chỉ là ví dụ nhỏ cho thấy một số nhà lãnh đạo hàng đầu tại Italia đã chủ quan trước dịch bệnh như thế nào.
Tối hôm 21.3, sau lệnh phong tỏa cả nước, Thủ tướng Italia - ông Giuseppe Conte, đã tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các công ty trong nước không sản xuất các mặt hàng, dịch vụ cần thiết trong dịch Covid-19. Đây là biện pháp mạnh mẽ và cũng là sự hy sinh kinh tế khổng lồ của Italia nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Khử trùng xung quanh nhà ga xe lửa trung tâm ở Milan, Italia (ảnh: NY Times)
Bi kịch xảy ra tại Italia là lời cảnh tỉnh đối với các nước châu Âu cũng như toàn thế giới về khả năng lây lan của Covid-19. Nếu có thể rút ra bất kỳ bài học nào từ Italia, thì đó sẽ là phải sớm thực hiện các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại. Những biện pháp chống dịch phải được đưa ra một cách rõ ràng, nhất quán và thực thi một cách nghiêm chỉnh.
Mặc dù là một trong những nước có các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất thế giới, nhưng chính phủ Italia đã tốn quá nhiều thời gian dò dẫm từng bước để đi đến các biện pháp này.
Những nỗ lực của Italia, bắt đầu từ việc phong tỏa thị trấn, sau đó là các khu vực, rồi đến các tỉnh, vùng, rồi cuối cùng là toàn bộ quốc gia đã tiêu tốn nhiều thời gian quý báu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
“Bây giờ, chúng ta sẽ chạy theo nó (Covid-19). Chúng ta sẽ hạn chế, phong tỏa dần dần. Mỗi ngày các bạn hãy giảm bớt một chút sự tự do trong cuộc sống bình thường, bởi lẽ, Covid-19 không cho phép ai có một cuộc sống bình thường”, Sandra Zampa, một quan chức thuộc Bộ Y tế Italia phát biểu.
Việc cố cân bằng giữa các biện pháp chống dịch với sự tự do của người dân và lợi ích kinh tế đã khiến Italia luôn bị tụt lại phía sau so với tốc độ lây nhiễm của Covid-19.
Một trạm kiểm dịch của cảnh sát tại Milan, Italia (ảnh: NY Times)
Trong những ngày đầu tiên khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các quan chức hàng đầu tại Italia đã cố gắng hạ thấp nguy cơ của Covid-19, điều này vô hình tạo ra sự nhầm lẫn và cảm giác an toàn tai hại. Sự chủ quan luôn là nguyên nhân lớn nhất khiến Covid-19 lây lan mạnh trong cộng đồng.
Kể cả sau khi chính phủ Italia tuyên bố phong tỏa cả nước, nhiều người dân nước này vẫn chưa nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Bằng chứng là nhiều người đã cố ý vi phạm lệnh hạn chế đi lại và quân đội đã được đưa vào cuộc để kiểm soát tình hình.
Hồi giữa tháng 1, nhiều quan chức thuộc đảng đối lập đã thúc giục ông Conte phải cách ly toàn bộ những du học sinh người Trung Quốc tại miền Bắc vì lo ngại sự lây lan của Covid-19.
Tuy nhiên, ông Conte đã từ chối đề xuất này và đề nghị các quan chức trên hãy tin tưởng vào quyết định của các cơ quan giáo dục và y tế.
Ông Conte sau đó cũng ra quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
“Chúng ta là quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng biện pháp này”, ông Conte phát biểu.
Tuy nhiên, lệnh đình chỉ bay của Thủ tướng Conte được đưa ra vào ngày 31.1, lúc này, Covid-19 có thể đã âm thầm lây lan tại Italia từ trước.
Một chốt bảo vệ của quân đội Italia (ảnh: NY Times)
Khi một người đàn ông 38 tuổi ở vùng Lombardy nhập viện hôm 18.2 với các triệu chứng cúm, ho và sốt nghiêm trọng, anh ta đã không được làm xét nghiệm Covid-19.
Bệnh nhận này thậm chí còn bị từ chối cho nhập viện và trở về nhà tự dùng thuốc. Ngày 21.2, sau khi quay lại bệnh viện với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, người đàn ông này đã bị kết luận và dương tính với Covid-19.
Tuy nhiên, trước khi được làm xét nghiệm, người đàn ông này đã dự ít nhất 3 bữa tiệc, chơi bóng đá, tham gia vào một nhóm chạy bộ và thế là Italia có bệnh nhân “siêu lây nhiễm”. Người này được cho là đã lây virus cho hàng trăm người, bao gồm cả vợ, bác sĩ và y tá.
Các chuyên gia cho rằng, Covid-19 đã âm thầm lây lan tại vùng Bắc Italia trong nhiều tuần. Do sự chủ quan, nhiều người nhiễm Covid-19 đã bị đánh đồng là cúm và virus cứ như vậy lây lan trong cộng đồng.
Một thiếu sót lớn khác của Italia đó là sự không rõ ràng khi đặt các biện pháp phong tỏa.
Lệnh phong tỏa miền Bắc Italia đã bị rò rỉ trước một ngày khi nó chính thức có hiệu lực và biến tình hình ở khu vực này chẳng khác nào “mớ bòng bong” khi người dân đổ xô ra các ga tàu, sân bay, cố gắng “đào thoát” về các khu vực của miền Nam. Điều này vô tình khiến Covid-19 lây lan ra nhiều người hơn. Sau đó vài ngày, chính phủ phải đặt lệnh phong tỏa cả nước vì sau lệnh phong tỏa miền Bắc, miền Nam lại thông báo nhiều ca nhiễm Covid-19 xuất hiện.
Người dân Italia tụ tập trong một quán rượu hồi cuối tháng 2 (ảnh: NY Times)
Lệnh phong tỏa của Italia cũng là một vấn đề vì so với lệnh phong tỏa Hồ Bắc của Trung Quốc, nó thực sự thiếu chặt chẽ và quyết liệt.
Ban đầu, Italia vẫn cho phép những người có lý do công việc, nhu cầu y tế hoặc trong trường hợp khẩn cấp ra khỏi nhà. Các nhà hàng hoặc quán bar ở Italia có thể mở cửa từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều nếu đảm bảo khách hàng cách nhau ít nhất một mét. Các trung tâm thương mại vừa và lớn phải đóng cửa vào cuối tuần, các cửa hàng thực phẩm không bị hạn chế thời gian mở cửa.
Những quy định thiếu quyết liệt cùng với ý thức chấp hành chưa cao ở một bộ phận người dân đã khiến chính phủ Italia phải đưa quân đội vào cuộc.
Kết quả của các biện pháp chống Covid-19 tại Italia có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới, tuy nhiên, nếu các biện pháp này được thực hiện tốt hơn, có lẽ, Italia đã không phải hứng chịu hậu quả lớn bởi dịch bệnh như hiện nay.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thay vì làm theo khuyến cáo của WHO, Mỹ đang hạn chế mở rộng xét nghiệm Covid-19 và chuyển sang giai đoạn mới trong cuộc...