Thiếu giường bệnh trầm trọng, hệ thống y tế Tokyo trên bờ vực sụp đổ
Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và chính phủ sẵn sàng cho phương án khẩn cấp, các nhân viên y tế nói tình trạng thiếu giường bệnh và thiết bị y tế đang đẩy hệ thống y tế Tokyo đến bờ vực sụp đổ.
Đối với một số bệnh viện ở thủ đô Tokyo, khủng hoảng đã ở trước mắt. Bệnh viện Đa khoa Eiju – tòa nhà 10 tầng màu hồng nằm ở trung tâm Tokyo, ghi nhận 140 ca nhiễm Covid-19 trong hai tuần qua.
Trong số này, 44 trường hợp là bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Gần đây, bệnh viện đã dán thông báo đóng cửa, không tiếp nhận thêm người bệnh cho đến khi có thông báo mới.
Ở bên trong, 60 bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn đang được điều trị. Một bệnh nhân ở đây vừa được chuyển sang bệnh viện khác đã lây nhiễm cho nhiều người, theo giới chức y tế quận Taito.
Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 4.041 ca nhiễm Covid-19, thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng ở Tokyo, việc các bệnh viện như Eiju rơi vào tình trạng quá tải, cạn kiệt vật tư y tế và tình trạng nhân viên y tế nhiễm virus trở nên hết sức đáng ngại.
"Chúng tôi có thể dành toàn bộ phòng để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhưng điều đó nghĩa là những người bệnh khác phải chuyển đi", một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tại một bệnh viện lớn ở Tokyo nói. "Nếu không làm như vậy, virus sẽ lây lan khắp bệnh viện, khiến hệ thống y tế sụp đổ".
Nhật Bản ước tính mới chỉ xét nghiệm cho hơn 46.000 người. Con số này là khá khiêm tốn bởi Hàn Quốc đã xét nghiệm gấp 10 lần, tương đương hơn 460.000 người.
Người dân đeo khẩu trang khi ra đường ở quận Shimbashi, Tokyo hôm 6.4.
Nhật Bản chỉ xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, từ đó làm giảm áp lực cho các bệnh viện, Hitoshi Oshitani, chuyên gia bệnh truyền nhiễm làm việc trong hội đồng tư vấn chính sách về Covid-19 cho chính phủ Nhật, nói.
Những trường hợp người dương tính với Covid-19 phải chờ đợi ở nhà đến khi các bệnh viện có giường bệnh không phải là chuyện hiếm ở Nhật, theo Reuters.
Hiroshi Nishiura, giáo sư đại học Hokkaido, thành viên hội đồng tư vấn, chỉ ra vấn đề rằng, nhiều bệnh viện ở Tokyo không có khoa truyền nhiễm. Điều này khiến bệnh nhân Covid-19 phải nằm điều trị cùng người mắc bệnh khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
"Chúng ta đã không thể ngăn lây nhiễm ngay từ giai đoạn đầu tiên ", Nishiura nói, đề cập tới trường hợp ở bệnh viện Eiju. Phát ngôn viên của bệnh viện hôm 6.4 từ chối bình luận.
Tuần trước, một bệnh viện khác ở Tokyo thông báo có 3 y tá và một bác sĩ nhiễm Covid-19 khi điều trị cho bệnh nhân. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm ở Tokyo tăng với tốc độ hơn 100 ca.
Tuy vậy, giới chức Tokyo khẳng định “hệ thống y tế vẫn đang được kiểm soát” và người dân cần tránh ra ngoài nếu không cần thiết.
Kiểm soát dịch bệnh bùng phát ở Tokyo là rất khó khăn. Thành phố này có tới 14 triệu người sinh sống. Một thách thức khác là Nhật Bản có dân số tương đối già, với một phần ba số dân là người trên 65 tuổi, tương đương 36 triệu người.
Người đàn ông Nhật đeo khẩu trang đi qua lối vào bệnh viện Eiju.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, hiện có 1,5 triệu giường bệnh trên toàn quốc. Số giường áp lực âm dành cho bệnh truyền nhiễm chỉ có 1.882, trong đó Tokyo chỉ có 145 giường.
Gần đây, giới chức Tokyo có kế hoạch bổ sung thêm 4.000 giường bệnh chuyên điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. "Tokyo không đủ giường bệnh, vì vậy hệ thống y tế sụp đổ là điều có thể lường trước", Satoshi Kamayachi, thành viên ban điều hành Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, nói. "Số lượng bệnh nhân đang tăng rõ rệt, tình hình đang trở nên ngày càng cấp bách".
Nhiều chuyên gia Nhật Bản bày tỏ sự bất bình trước những phản ứng chậm trễ của chính phủ. Nhiều bệnh viện ở Tokyo cần bổ sung thêm máy thở, trong khi các y tá không chắc bệnh viện có đủ thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ hay không.
Kasumi Matsuda, y tá làm việc được 13 năm, thành viên Liên đoàn Nhân viên Y tế Nhật Bản, nói 170.000 thành viên của liên đoàn đã báo cáo tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.
“Tôi cho rằng hệ thống y tế ở Tokyo đang có dấu hiệu bắt đầu sụp đổ”, Matsuda nói.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong vòng một tháng.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cấp phát miễn phí thuốc chữa cúm Favipiravir (tên thương mại là Avigan) - có hiệu quả...