Tàu ngầm hạt nhân bị cháy khiến 14 thủy thủ Nga tử nạn có thiết kế rất đặc biệt?
Nga có lý do để không công khai chiếc tàu ngầm mới gặp trục trặc khiến 14 thủy thủ thiệt mạng, bởi theo đồn đoán, đây rất có thể là tàu ngầm hạt nhân nằm trong chương trình do thám tuyệt mật.
Hình ảnh hiếm hoi về tàu ngầm hạt nhân BS-64 Podmoskovye.
Theo The Drive, các nguồn tin chưa chính thức nói vụ cháy xảy ra trên tàu ngầm hạt nhân Losharik, hoặc thậm chí là tàu ngầm mẹ BS-64 Podmoskovye. Đây đều là hai tàu ngầm hạt nhân chuyên tham gia các sứ mệnh do thám tối mật.
Vụ việc xảy ra hôm 1.7, khi tàu ngầm Nga bốc cháy dữ dội dưới đáy biển. 14 thủy thủ thiệt mạng vì ngạt khói, trong đó có hai người từng được trao danh hiệu "Anh hùng Nga”. 7 người khác tử nạn là sỹ quan hải quân.
"Đây không phải tàu bình thường mà là tàu nghiên cứu", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, nhấn mạnh rằng thủy thủ trên tàu đều là các quân nhân chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm.
Hải quân Nga không công bố tên tàu ngầm cũng như nguyên nhân vụ cháy, chỉ nói rằng con tàu đã được đưa về căn cứ của Hạm đội Biển Bắc ở Severomorsk.
Tàu ngầm hạt nhân Losarik của Nga và tàu ngầm mẹ.
Theo The Drive, Nga có lý đo để không công khai tên tàu ngầm gặp sự cố, cũng như để tránh gây hoang mang nếu thật sự có tàu ngầm hạt nhân bốc cháy dưới biển. Trang tin RBC của Nga dẫn nguồn giấu tên cho biết vụ cháy xảy ra trên tổ hợp tàu ngầm hạt nhân tuyệt mật, bao gồm tàu ngầm con AS-12 Losharik và tàu ngầm mẹ BS-64 Podmoskovye. Nguồn tin còn khẳng định lửa phát ra từ khoang tàu Podmoskovye và không ảnh hưởng tới tàu Losharik.
Báo Nga Novaya Gazeta dẫn nguồn tin giấu tên nói tàu ngầm gặp sự cố có số hiệu AS-31, còn tàu ngầm Losharik lại có số hiệu AS-12.
Trong môi trường hoạt động thông thường, tàu mẹ BS-64 Podmoskovye có thể đích thân nhận nhiệm vụ do thám, trong khi tàu ngầm con AS-12 Losharik được neo ở bên dưới bụng.
Bộ đôi tàu ngầm Podmoskovye và Losharik được Nga thử nghiệm từ cuối năm 2016. Podmoskovye ban đầu là tàu ngầm hạt nhân K-64 với 16 ống phóng tên lửa đạn đạo RSM-54 Sineva. Đến giữa năm 2015, các ống phóng này được dỡ bỏ, lấy chỗ chứa tàu ngầm con Losharik. Không rõ con tàu có còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn hay không.
Thiết kế đặc biệt giúp tàu ngầm hạt nhân Losarik có thể lặn sâu tới 2.500 mét.
Trong khi đó, tàu ngầm con chạy năng lượng hạt nhân Losharik sử dụng thiết kế hai lớp vỏ, trong đó vỏ chịu áp lực gồm 7 khoang hình cầu được nối với nhau. Điều này khiến tàu có rất ít không gian cho thủy thủ đoàn và trang thiết bị, nhưng tăng đáng kể độ bền. Nhờ đó mà tàu ngầm Losharik có thể lặn sâu tới 2.500 mét ở Bắc Băng Dương, đến những nơi mà tàu ngầm có người lái của Mỹ không đến được.
Báo cáo của Bộ tư lệnh Phương Bắc của Mỹ năm 2016 từng nhắc đến đích danh tàu ngầm Losharik, mô tả con tàu đặt ra thách thức chưa từng có đối với hải quân Mỹ và đề xuất phát triển các hệ thống cảnh giới và giám sát mới để đối phó.
Nếu tàu Losharik hoặc Podmoskovye thực sự bị cháy thì không rõ rằng liệu lò phản ứng hạt nhân trên hai tàu này có bị tổn hại hay không và tình trạng của tàu hiện nay như thế nào.
Một số chuyên gia cho rằng số lượng thủy thủ thiệt mạng cho thấy họ có thể đã chấp nhận hy sinh để cứu cả tàu...