Thiệt hại khổng lồ đối với Đức trong năm 2023 do xung đột ở Ukraine
Tương lai tăng trưởng của nền kinh tế số 1 châu Âu trở nên “mờ mịt” do xung đột ở Ukraine.
Kinh tế Đức có thể suy giảm mạnh trong năm nay (ảnh: RT)
Peter Adrian – Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) hôm 19/2 – cho biết, tính đến cuối năm nay, xung đột Nga – Ukraine dự kiến gây thiệt hại khoảng 160 tỷ euro (171 tỷ USD) đối vơi nền kinh tế Đức, tương đương khoảng 4% GDP.
GDP bình quân đầu người năm 2023 của Đức có thể giảm hơn 2.143 USD (gần 50 triệu VNĐ) so với năm ngoái, ông Peter Adrian cảnh báo.
Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế Đức. Tuy nhiên, nhiều công ty nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái. Giá năng lượng ở Đức đang cao hơn rất nhiều so với Mỹ, theo Reuters.
“Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 của Đức thấp hơn so với nhiều quốc gia khác”, ông Peter Adrian nói.
“Giá xăng ở Đức đang đắt hơn khoảng 3 đến 5 lần so với Mỹ. Giá điện của Đức đắt gấp 4 lần so với Pháp”, ông Adrian nói thêm.
Trước xung đột ở Ukraine, Đức đã có lợi thế phát triển công nghiệp nhờ nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga. Tuy nhiên, Đức hiện đang phải nhập khẩu khí đốt từ Na Uy, Mỹ với giá cao, trong khi Pháp không mấy e ngại vấn đề thiếu năng lượng nhờ nguồn điện hạt nhân dồi dào.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban – người luôn phản đối EU áp đặt các lệnh trừng phạt Nga (ảnh: RT)
Trước đó, hôm 18/2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng tiết lộ, các lệnh trừng phạt EU áp đặt đối với Nga đã khiến kinh tế Hungary thiệt hại tới 4.000 tỷ Forint (hơn 10 tỷ USD).
“Các biện pháp trừng phạt đã rút 4.000 tỷ forint khỏi ví của người dân Hungary”, ông Orban nói, nhấn mạnh rằng EU tăng cường trừng phạt nhưng không ngăn được Nga tiếp tục chiến dịch quân sự.
Theo ông Orban, các lệnh trừng phạt EU áp đặt gần 1 năm qua khiến giá năng lượng ở châu Âu và Hungary tăng vọt, gây áp lực lên nền kinh tế.
“Chúng ta không khiến Nga gặp khó khăn, chúng ta thậm chí còn cho Nga nhiều tiền hơn. Nguồn thu của Nga từ việc bán năng lượng đã tăng 70%”, ông Orban nói.
Thủ tướng Hungary nhận định, do chi phí năng lượng tăng cao, nhiều nước thành viên EU đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, EU vẫn không ngừng “bơm tiền” cho Ukraine.
Phát biểu hôm 19/2 tại Hội nghị Munich, Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, cho rằng, phương Tây cần tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và tăng tốc chuyển giao vũ khí.
“Còn nhiều việc phải làm và cần làm nhanh hơn. Chúng ta phải tăng cường và đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine”, ông Borrell nói.
“Chúng ta đang ở chế độ chiến tranh khẩn cấp”, ông Borrell nói, nhấn mạnh rằng xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc nếu tình trạng thiếu đạn dược của Kiev không được giải quyết trong “vài tuần”.
Nơi ở bí mật của ông Zelensky trong thời gian Kiev bị lực lượng Nga tấn công đến nay vẫn là thông tin được chính quyền Ukraine giữ kín.
Nguồn: [Link nguồn]