Thiệt hại của "Không Covid-19" quá lớn
Báo cáo của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) dự báo Trung Quốc không thể ngăn chặn hoàn toàn biến thể Omicron và các đột biến tiếp theo
Hơn 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia trên thế giới đang cố sống chung với dịch Covid-19 và chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống mỗi ngày.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nơi ghi nhận sự xuất hiện của dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới, vẫn theo đuổi chiến lược không khoan nhượng với Covid-19 được cho là ngày càng khó duy trì.
Dù biên giới được kiểm soát chặt chẽ và tỉ lệ tiêm chủng đạt gần 90%, các ca mắc biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 7 trong số 31 tỉnh và tất cả các thành phố lớn nhất của Trung Quốc.
Việc đóng cửa các cảng và phong tỏa thành phố đang dần phổ biến trong khi chính phủ Trung Quốc đầu tuần này phát tín hiệu cho thấy nước này chuẩn bị nhiều biện pháp hơn như ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.
Báo cáo của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) dự báo Trung Quốc không thể ngăn chặn hoàn toàn biến thể Omicron và các đột biến tiếp theo bởi chiến lược "Không Covid-19" đòi hỏi phải đóng cửa và gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều hơn nữa, từ đó dẫn đến tăng trưởng thấp, lạm phát cao và bất bình đẳng ngày càng tăng.
Ông Zeng Guang, cựu chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói với Bloomberg rằng Trung Quốc nên học hỏi các nước khác cách mở cửa cũng như cân nhắc thay đổi chiến lược vì thiệt hại của "Không Covid-19" hiện đã quá lớn so với lợi ích mà nó mang lại.
Người dân đi lại trên đường phố trong giờ cao điểm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 18-1 Ảnh: Reuters
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc trong bối cảnh Pháp, Đức và Brazil đã công bố số ca nhiễm cao kỷ lục trong 24 giờ qua.
Biến thể Omicron lan rộng trên khắp thế giới, thúc đẩy một số chính phủ áp đặt các biện pháp mới song song với đẩy nhanh việc triển khai tiêm tăng cường. Theo WHO, các ca nhiễm mới đã tăng 20% trên toàn cầu trong tuần qua, với tổng số gần 19 triệu ca được ghi nhận.
TS Bruce Aylward, một quan chức cấp cao của WHO, cảnh báo mức độ lây nhiễm cao sẽ tạo cơ hội cho virus nhân bản và đột biến nhiều hơn, làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể mới.
WHO đưa ra cảnh báo trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm điểm của những đợt bùng dịch Covid-19 mới ở mức đáng báo động.
Pháp ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 464.000 ca. Tính trung bình trong tuần qua, Pháp có hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày. Theo hãng tin Reuters, Đức ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Tại Nhật Bản, hội đồng chuyên gia phòng chống dịch bệnh đã phê duyệt biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với thủ đô Tokyo và 12 tỉnh, thành khác, có hiệu lực từ ngày 21-1 đến 13-2 sau khi nước này ghi nhận hơn 32.000 ca mắc Covid-19 mới hôm 18-1.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo còn quá sớm để ngừng thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 dù các nghiên cứu cho thấy bệnh do biến thể này gây ra có thể nhẹ hơn. Theo đài CNBC, nhiều quốc gia hiện không còn hoặc chỉ thực hiện ít các biện pháp phòng ngừa dịch khi số ca mắc mới tăng và tỉ lệ tiêm chủng cũng tăng.
GS Liam Smeeth, Giám đốc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói với CNBC rằng dù biến thể Omicron dường như gây triệu chứng nhẹ hơn nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học cho thấy biến thể đột biến sẽ tác động như thế nào đến những người dễ bị tổn thương.
Chưa biết Trung Quốc có thể duy trì chiến lược “zero COVID” đến chừng nào khi áp lực kinh tế - chính trị trong và ngoài...
Nguồn: [Link nguồn]