Thiết giáp hạm uy lực cuối cùng của Mỹ một khi tái xuất sẽ như thế nào?
Toàn bộ 4 thiết giáp hạm lớp Iowa của Mỹ hiện đang được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng, hứa hẹn một ngày nào đó chúng sẽ trải qua quá trình nâng cấp toàn diện để một lần nữa lại ra khơi.
Một trong những nhược điểm của thiết giáp hạm là cần quá nhiều thủy thủ vận hành.
Trước khi bị tàu sân bay thay thế hoàn toàn, thiết giáp hạm là biểu tượng sức mạnh hải quân của các cường quốc trên thế giới. Một trong số các thiết giáp hạm nổi tiếng nhất thế giới là thiết giáp hạm lớp Iowa của Mỹ.
Các thiết giáp hạm lớp Iowa được đóng trong Thế chiến 2, từng nhiều lần được Mỹ kích hoạt trở lại để tham gia chiến đấu trong Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991.
Tác giả Kyle Mikozami đặt câu hỏi trên tạp chí National Interest rằng nếu một ngày tiếp tục được quay trở lại, thiết giáp hạm Iowa sẽ trông như thế nào?
Theo Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 1996, hải quân Mỹ có trách nhiệm gìn giữ 4 thiết giáp hạm lớp Iowa trong tình trạng tốt để có thể sẵn sàng quay trở lại chiến đấu hoặc cho đến khi có quyết định khác.
Năm 2006, hai thiết giáp hạm Iowa và Wisconsin bị loại khỏi danh sách vì kế hoạch đóng 32 tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt.
13 năm sau, hải quân Mỹ mới chỉ có 3 tàu lớp Zumwalt. Chi phí đóng tàu lên tới 4 tỷ USD cùng chi phí chế tạo đạn pháo, vũ khí đắt đỏ là nguyên nhân Mỹ không đóng thêm 29 tàu khu trục khác.
Các thiết giáp hạm lớp Iowa từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Vùng vịnh.
Theo tác giả Mizokami, đây là cơ sở để tin rằng thiết giáp hạm lớp Iowa vẫn có ngày quay trở lại. Ngày nay, cục diện chiến tranh trên biển đã thay đổi lớn, từ pháo hạm sang các tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm và nếu quay trở lại thiết giáp hạm Iowa cũng phải được nâng cấp toàn diện.
Thứ nhất, thiết giáp hạm lớp Iowa cần phải tự động hóa, giảm đáng kể số lượng thành viên thủy thủ đoàn. Trong chiến tranh vùng Vịnh, thiết giáp hạm Mỹ cần tới 1.800 sỹ quan và thủy thủ để vận hành con tàu.
Thứ hai, tàu cần được trang bị lò phản ứng hạt nhân để đảm bảo khả năng hoạt động, nhưng không cần quá nhiều thủy thủ. Một giải pháp khác là tàu sử dụng hệ thống điện tương tự như trên tàu khu trục Zumwalt, nhưng cấp mức điện năng lớn hơn.
Thứ ba, thiết giáp hạm ngày nay vẫn phải đảm bảo khả năng đánh chìm tàu chiến đối phương ở cách xa ít nhất 300km và đánh trúng mục tiêu trên đất liền cách 1.600km.
Thứ tư, thiết giáp hạm cần được trang bị vũ khí mạnh nhất có thể, trong khi dựa vào các tàu chiến khác, như tàu sân bay, tàu khu trục làm nhiệm vụ hỗ trợ lẫn nhau trong đội hình tác chiến. Điều đó có nghĩa là các thiết giáp hạm cần được trang bị tên lửa dẫn đường tầm xa.
Theo tác giả Mizokami, các thiết giáp hạm sẽ mang tên mới là thiết giáp hạm trang bị tên lửa dẫn đường (BBG). 16 khẩu pháo cỡ nòng 406mm trên tàu có thể được dỡ bỏ hoàn toàn, thay thế bằng các ống phóng tên lửa thẳng đứng, có khả năng phóng tên lửa diệt hạm, tên lửa hành trình.
Các khẩu pháo cỡ nòng 127mm cũng cần phải thay đổi bằng pháo điện từ, giúp tăng khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền và tăng độ chính xác. Về khả năng phòng thủ, các thiết giáp hạm thế hệ mới cần được trang bị nhiều lớp phòng thủ, từ tên lửa SeaRAM cho đến pháo phòng không Phalanx CIWS.
Các thiết giáp hạm cũng cần được lắp đặt bãi đáp cho trực thăng để mang theo trực thăng trinh sát săn ngầm P-8 hay các máy bay không người lái.
Kết quả của quá trình nâng cấp là thiết giáp hạm đủ sức đánh chìm bất cứ mục tiêu nào trên biển và trên đất liền. Trong môi trường tác chiến tầm gần, các khẩu pháo điện từ sẽ phát huy tác dụng.
Có thể nói, các thiết giáp hạm lớp Iowa sẽ vẫn được trưng bày tại bảo tàng trong tương lai gần. Nhưng nếu cần thiết và có ngân sách, các tàu này vẫn có thể được kích hoạt trở lại, đóng vai trò quan trọng trong nhóm tác chiến nếu được nâng cấp phù hợp, theo tác giả Mizokami.
Thiết giáp hạm từng là biểu tượng hùng mạnh của hải quân các quốc gia trong thế kỷ 20 cho đến giai đoạn cuối Thế...