Thích khách khét tiếng nhất lịch sử Trung Hoa ám sát Tần Thủy Hoàng

Câu chuyện thích khách khét tiếng ám sát Tần Thủy Hoàng để rồi phải nhận kết cục bi thảm vẫn còn được nhắc đến tận ngày nay.

Thích khách khét tiếng nhất lịch sử Trung Hoa ám sát Tần Thủy Hoàng - 1

Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.

Trong lịch sử Trung Hoa, có những trường hợp hoàng đế bị hành thích công khai, nhưng cũng có những trường hợp được coi là bí ẩn chưa thể giải mã. Loạt bài dài kỳ này kể câu chuyện về những vụ ám sát hoàng đế Trung Hoa chấn động trong lịch sử

Trong số những thích khách trong lịch sử Trung Hoa, cái tên Kinh Kha luôn được nhắc đến hàng đầu. Kinh Kha là môn khách của thái tử nước Yên, là người đã mạo hiểm tính mạng ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bất thành.

Đó là thời điểm Nhà Đông Chu (771-249 TCN) rơi vào bất ổn, mở đầu giai đoạn Xuân Thu-Chiến Quốc kéo dài 500 năm ở Trung Quốc.

Cuối thời Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng đã tạo nên bộ máy chiến tranh bất khả chiến bại, lần lượt nuốt trọn các nước lân cận. Nước Yên phía đông bắc là một trong hai mục tiêu cuối cùng.

Kế hoạch táo bạo

Thái tử Đan của nước Yên hiểu rằng quân Yên quá yếu để có thể chống lại quân Tần. Thay vì chiến đấu, thái tử Đan nghĩ ra kế hoạch ám sát Tần Thủy Hoàng.

Thái thử Đan có thể nghĩ rằng bằng cách ám sát vua Tần, nước Tần sẽ rơi vào hỗn loạn và từ đó nước Yên có thể được cứu khỏi cảnh hủy diệt.

Hai quân bài trong kế hoạch này là tướng Tần Phàn Ư Kỳ và Kinh Kha. Phàn Ư Kỳ đào tẩu sang nước Yên khi cả nhà bị Tần vương giết chết. Theo sử sách Trung Quốc, gia đình Phàn Ư Kỳ chịu tội chết vì thể hiện sự bất trung với hoàng đế Tần Thủy Hoàng, chỉ có Phàn Ư Kỳ là may mắn trốn thoát được.

Trong khi đó, Kinh Kha là người nước Vệ, nhưng rời quê hương vì không được vua Vệ trọng dụng. Sau một thời gian đi khắp nơi, Kinh Kha chọn nước Yên là nơi dừng chân.

Thích khách khét tiếng nhất lịch sử Trung Hoa ám sát Tần Thủy Hoàng - 2

Hình tượng Kinh Kha trong phim Trung Quốc.

Sau này, Kinh Kha có cơ hội được tiếp kiến thái tử Đan nước Yên nhờ người bạn tên là Điền Quang.

Năm 227 TCN, Thái tử Đan chọn Kinh Kha làm người hành thích Tần Thủy Hoàng, khi Tần vương 20 tuổi.

Câu chuyện ám sát Tần Thủy Hoàng của Kinh Kha cũng được sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán, chép lại trong cuốn Sử ký.

Để có thể tiếp cận Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha mang theo hai thứ mà Tần vương đang rất khao khát muốn có. Đó là thủ cấp của tướng Tần Phàn Ư Kỳ và tấm bản đồ nước Yên.

Kể từ khi chứng kiến cái chết của người thân, Phàn Ư Kỳ đã không còn màng đến mạng sống. Khi được Kinh Kha gợi ý rằng có cách để diệt Tần Thủy Hoàng, Phàn Ư Kỳ đã không ngần ngại đồng ý. Tướng Tần cắt cổ tự sát để Kinh Kha có thể dễ dàng giao nộp thủ cấp.

Nước Yên sau đó gửi thông điệp sang Tần, rằng thái tử Đan muốn làm hòa, nên nộp thủ cấp của Phàn Ư Kỳ và chấp nhận cắt một phần đất cho Tần.

Vũ khí mà Kinh Kha lựa chọn là một loại dao găm rất sắc nhọn, có thể dễ dàng giấu trong tấm bản đồ mang vào cung gặp Tần Thủy Hoàng.

Ám sát bất thành, Kinh Kha lưu danh sử sách

Tại hoàng cung nước Tần, Kinh Kha bước vào tiếp kiến Tần Thủy Hoàng, khi đó đang ngồi trên ngai vàng. Không có vũ khí được tìm thấy trong người Kinh Kha nên quân sĩ Tần đều không nghi ngờ gì.

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng đích thân bước xuống khi Kinh Kha trình ra thủ cấp của tướng Phàn Ư Kỳ. Tiếp theo, Kinh Kha nộp cho vua Tần tấm bản đồ nước Yên.

Tần Thủy Hoàng cầm tấm bản đồ đang được mở ra, trong khi Kinh Kha bình tĩnh chờ đợi đến khi con dao lộ ra, liền nắm lấy đâm tới tấp về phía trước, nhưng không trúng Tần vương.

Kinh Kha bèn nắm chặt tay áo Tần Thủy Hoàng, kéo Tần vương lại đến rách cả áo, khiến Tần Thủy Hoàng không khỏi hoảng hốt. Tần Thủy Hoàng khi đó còn không kịp nghĩ đến chuyện ra lệnh cho quân sĩ vào triều hộ giá, chỉ biết chống đỡ bảo toàn mạng sống.

Thích khách khét tiếng nhất lịch sử Trung Hoa ám sát Tần Thủy Hoàng - 3

Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành. Ảnh phác họa.

Sau đó là màn đuổi bắt giữa Kinh Kha và Tần Thủy Hoàng, cho đến khi Tần vương lấy lại bình tĩnh và rút bảo kiếm đánh trả, khiến Kinh Kha bị thương ở tay.

Không còn cách nào khác, Kinh Kha ném dao về phía Tần Thủy Hoàng nhưng vô ích. Kinh Kha liền quỳ xuống chấp nhận thất bại.

Sử sách Trung Quốc chép rằng, có người nói Kinh Kha bị quân sĩ Tần xông vào đâm chết. Nhưng cũng có báo Trung Quốc viết, Kinh Kha bị chính tay Tần Thủy Hoàng đâm 8 nhát chí mạng.

Lấy cớ bị nước Yên phái người đi ám sát, Tần Thủy Hoàng lệnh cho tướng Vương Tiễn, thống lĩnh đại quân chinh phạt Yên. 5 năm sau, Tần diệt gọn nước Yên.

Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng chính thức lên ngôi hoàng đế, sau khi thống nhất giang sơn Trung Quốc.

Mặc dù ám sát bất thành, nhưng Kinh Kha vẫn được người đời sau ở Trung Quốc nhắc đến về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, dám đứng lên chống bạo chúa.

Tần Thủy Hoàng trị vì không lâu sau thì qua đời đột ngột, nhà Tần cũng sụp đổ nhanh chóng, bị nhà Hán thay thế.

Dân gian truyền rằng thi hài Kinh Kha được chôn tại thôn Gia Câu, huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Nơi đây có một gò đất cao 10 mét, là nơi chôn cất nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.

Nhưng kết quả cuộc khảo cổ năm 2009 kết luận rằng, người chết bên trong khu lăng mộ là con gái của Hiếu Văn Đế thời Bắc Ngụy trong lịch sử Trung Hoa. Mộ thật của Kinh Kha ở đâu, cho đến nay các nhà khảo cổ Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy manh mối.

______________________

Hoàng đế Trung Hoa thời nhà Minh nổi tiếng tàn bạo, hoang dâm, đến mức xảy ra cuộc chính biến ngay trong hậu cung. Bài dài kỳ hai sẽ kể về câu chuyện của hoàng đế này.

Vụ thảm sát 20 vạn quân Tần sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời

Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ chính là người chấm dứt chuỗi chiến thắng liên tiếp của quân Tần trong cuộc chiến chống lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn về vị vua Tần Thủy Hoàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN